Nghiên cứu do tiến sĩ Michael Levin (Đại học Pennsylvania, Mỹ) và các cộng sự cho thấy, với chiều cao trên 1,7 m, bạn nên lưu ý hơn đến nguy cơ phát triển chứng rung nhĩ – một dạng rối loạn nhịp tim. Từ mốc 1,7 m đó, cứ cao thêm 1 inch (2,54 cm), nguy cơ rung nhĩ lại tăng thêm 3%. Kết quả trên được các nhà khoa học phân tích và đối chiếu dữ liệu di truyền của 1,2 triệu người.
Rung nhĩ là một tình trạng gây ra nhịp tim không đều, có thể cao hơn đáng kể so với mức 100 nhịp/phút (nhịp tim bình thường là 60-100 nhịp/phút và phải đều đặn). Nhịp tim không đều, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và khó thở. Tuổi tác và tình trạng cao huyết áp là 2 yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn đến chứng rung nhĩ.
Các thống kê cho thấy có khoảng 33 triệu người trên khắp thế giới gặp phải chứng rung nhĩ. Một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 5 lần và cả nguy cơ suy tim.
Trước đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra nhược điểm của chiều cao cơ thể người nổi bật là tăng nguy cơ mắc ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy chiều cao dưới trung bình có thể đồng nghĩa với tỷ lệ mắc một số loại ung thư thấp hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu trên 100.000 phụ nữ ở châu Âu và Bắc Mỹ cho kết quả những phụ nữ thấp hơn sẽ ít bị ung thư buồng trứng hơn. Song song đó, phụ nữ cao cũng có thêm 17% nguy cơ phát triển các khối u ác tính ở vú, nội mạc tử cung, đại tràng, và 29% riêng với ung thư máu, ung thư trực tràng, ung thư tuyến giáp, và ung thư thận.
Một cuộc thăm dò khác trên 9.000 đàn ông ở Anh trong độ tuổi từ 50 - 69 cũng đưa ra kết luận những người đàn ông thấp hơn có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ít hơn. Lý do có thể là vì những người cao có nhiều tế bào hơn, cho nên chúng có nhiều cơ hội bị đột biến và phát triển thành ung thư. Theo một nghiên cứu mới đây, những đứa bé mang gen cao còn được kích hoạt sớm yếu tố tăng trưởng tế bào ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, do đó dễ mắc phải một vài loại ung thư nhất định.