• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm ‘soi’ bộ phận này trên cơ thể có thể giúp phát hiện ung thư sớm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc ung thư vú trên thế giới ngày càng tăng , đặc biệt...

Ung thư vú dễ tái phát

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ gần 25,8% tổng số ca ung thư.

Ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú là:

- Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

- Da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

- Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

- Xuất hiện khối trên vú - các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.

BS Lê Thị Thu Nga – Khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - cho hay ung thư vú hiệu quả điều trị cao nếu được phát hiện sớm. Thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư vú đã cải thiện rất nhiều nhưng bệnh vẫn có nguy cơ tái phát tại chỗ và di căn xa.

Người mắc ung thư vú thường tái phát trong 5 năm đầu tiên sau chẩn đoán, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có thụ thể nội tiết âm tính hoặc HER2 dương tính. Với nhóm nội tiết dương tính, HER2 âm tính, bệnh nhân có thể bị tái phát muộn hơn và thường tiến triển thầm lặng.

Cách kiểm tra để phát hiện ung thư vú (ảnh minh hoạ)
Cách kiểm tra để phát hiện ung thư vú (ảnh minh hoạ)

Bác sĩ Nga lưu ý sau kết thúc điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ (3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu, nếu bệnh ổn định thì cứ 6 tháng 1 lần trong 3 năm tiếp và 1 năm 1 lần trong những năm tiếp theo) nhằm phát hiện tái phát sớm để điều trị kịp thời.

Tuy nhiên cần tái khám ngay nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tái phát như: Khối bất thường ở vú hoặc thành ngực; Chảy dịch đầu núm vú của vú đã phẫu thuật bảo tồn hoặc của vú đối bên; Thay đổi da vùng thành ngực hoặc vú; Sờ thấy hạch vùng nách, cổ, trên và dưới xương đòn; Đau xương dai dẳng; Ho, khó thở, đau ngực; Đau tức vùng gan; Đau đầu, buồn nôn, nôn; Mệt mỏi, giảm cân nhanh mà không ăn kiêng.

Để phòng ngừa ung thư vú tái phát, bác sĩ Thu Nga cho hay nên tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng lý tưởng (chỉ số BMI trong giới hạn bình thường), tránh béo phì; không uống rượu, bia, chất kích thích.

Đối với bệnh nhân mắc ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính thì không nên dùng các sản phẩm từ đậu nành vì phytoestrogen có trong đậu nành làm kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư phụ thuộc hormon sinh dục nữ. Cũng không nên dùng các thuốc có chứa hoặc làm tăng nội tiết tố nữ.

Với bệnh nhân phải điều trị nội tiết, nếu chưa mãn kinh thì rất dễ gặp cơn bốc hỏa, khô âm đạo, nấm âm đạo. Đối với bệnh nhân đã mãn kinh thì có thể bị đau xương khớp. Bệnh nhân cần tư vấn bác sỹ điều trị để được hướng dẫn cách điều trị hoặc thay đổi thuốc.

Lưu ý, bệnh nhân sau điều trị ung thư không nên mang thai trong 2 năm đầu sau điều trị vì đây là giai đoạn nguy cơ tái phát cao nhất. Phải áp dụng các biện pháp tránh thai trong và sau điều trị thuốc kháng HER2 (trastuzumab) ít nhất 7 tháng vì nó gây dị dạng thai.

Tự kiểm tra vú để phát hiện bất thường

Các chuyên gia ung bướu cho biết để phát hiện ung thư vú, mỗi chị em nên biết cách tự kiểm tra cho chính mình:

Cách kiểm tra ung thư vú tại nhà như sau: 

- Bước 1: Để thẳng hai vai, chống 2 tay lên trên 2 bên hông và quan sát ngực của mình trong gương. Kiểm tra những bất thường như: Da phồng lên hoặc nhăn nhúm; Núm vú bị tụt vào trong hoặc thay đổi vị trí; Bầu vú hay núm vú có hiện tượng nổi mẩn, sưng nề và đau. 

- Bước 2: Để quan sát rõ hơn những thay đổi của vú, bạn giơ cao hai cánh tay.

- Bước 3: Quan sát kiểm tra có dấu hiệu chảy dịch núm vú hay không. Dịch tiết từ núm vú có thể là chất lỏng có màu trắng đục, màu vàng và đôi khi có thể là máu. 

- Bước 4: Nằm ngửa sờ nắn và kiểm tra vú trái bằng tay phải; sờ nắn và kiểm tra vú phải bằng tay trái. Thực hiện từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. 

- Bước 5: Quan sát, sờ nắn toàn bộ phần ngực của bạn trong khi đứng và ngồi. Có thể thực hiện khi tắm vì khi da ướt và trơn, bạn sẽ dễ cảm nhận những thay đổi ở ngực. 

Ngọc Minh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật