PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tóm tắt về khuyến cáo sử dụng khẩu trang, tấm chắn giọt bắn của CDC Hoa Kỳ.
1. Bằng chứng cho hiệu quả của việc đeo khẩu trang
Khẩu trang được coi là hàng rào ngăn các giọt bắn đường hô hấp khi hắt xì, ho, nói chuyện, lên giọng... bay vào không khí và người khác. Cách này có tác dụng kiểm soát nguồn lây.
2. Ai nên đeo khẩu trang: Cộng đồng
CDC đã đưa ra khuyến cáo những người từ 2 tuổi trở lên đeo khẩu trang nơi cộng cộng, khi gặp người không phải người sống cùng gia đình, khi các biện pháp giãn cách xã hội khác khó duy trì...
COVID-19 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng, đeo khẩu trang là một trong hai điều quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm đối với tất cả mọi người.
Khẩu trang có thể giúp ngăn người bị bệnh lây virus cho những người khác. Những người chăm sóc bệnh nhân tại nhà hay cơ sở ý tế cũng cần đeo khẩu trang.
Dù vậy, mức độ hiệu quả của khẩu trang bảo vệ người khỏe không hít phải virus vẫn chưa được biết rõ.
Ngoài ra cần áp dụng thêm một số biện pháp đi kèm: tránh tiếp xúc gần người bệnh càng nhiều càng tốt, thường xuyên rửa tay sạch sẽ; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa; và thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt...
Ai không nên đeo khẩu trang?
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Bất cứ ai đang có cơn khó thở cấp.
- Bất kỳ ai hôn mê, mất khả năng vận động hoặc không thể tháo khẩu trang mà không có sự trợ giúp.
3. Các trường hợp đặc biệt cần lưu ý
- Những người có vấn đề về tai hoặc những người chăm sóc, tiếp xúc người khiếm thính vì người đó cần nhìn khẩu hình. Cân nhắc sử dụng mặt nạ trong suốt.
- Một số trường hợp như thiểu năng và chậm phát triển trí tuệ... có thể gặp khó khăn khi đeo khẩu trang.
- Các em nhỏ có thể không đeo đúng cách hay đeo trong thời gian dài.
- Đeo khẩu trang có thể được ưu tiên vào những lúc khó duy trì khoảng cách với những người khác (ví dụ: khi đi chung xe hoặc đón, hoặc khi đứng xếp hàng ở trường). Đảm bảo kích thước, độ vừa vặn của khẩu trang.
- Không nên đeo khi tham gia các hoạt động có thể làm ướt khẩu trang vì sẽ khó thở.
- Những người tham gia vào các hoạt động cường độ cao, như chạy, có thể không đeo khẩu trang nếu nó gây khó thở.
- Những người làm việc trong môi trường nơi khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt hoặc gây ra các lo ngại về an toàn do gây ra mối nguy hiểm (ví dụ, dây khẩu trang mắc vào máy móc)...
Nếu không thể đeo khẩu trang, cần đảm bảo thực hiện các biện pháp khác để giảm nguy cơ lây lan COVID-19, bao gồm giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào.
4. Khẩu trang có van thở ra hoặc lỗ thông hơi
Khẩu trang có van một chiều hoặc lỗ thông hơi cho phép không khí được thở ra qua một lỗ trên khẩu trang, điều này có thể dẫn đến các giọt bắn đường hô hấp bị đẩy ra ngoài có thể tiếp cận đến người khác.
Loại khẩu trang ngày không có tác dụng ngăn lây nhiễm vì vậy CDC khuyến cáo không nên sử dụng khẩu trang có van thở ra hoặc lỗ thông hơi để kiểm soát nguồn lây.
5. Tấm chắn bảo hộ che mặt
Chưa có bằng chứng nào cho thấy tấm che mặt có hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn lây vì vậy cần cân nhắc kỹ.
Một số lưu ý đối với những người phải đeo tấm chắn che mặt thay vì khẩu trang:
+ Tấm chắn che mặt bao quanh hai bên khuôn mặt của người đeo và kéo dài xuống dưới cằm.
+ Tấm chắn che mặt có mũ trùm đầu.
+ Rửa tay trước và sau khi tháo tấm chắn che mặt và tránh chạm vào mắt, mũi và miệng khi tháo tấm chắn che mặt.
+ Chỉ nên đeo tấm chắn che mặt dùng một lần cho một lần sử dụng và vứt bỏ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Tấm chắn che mặt có thể tái sử dụng phải được làm sạch và khử trùng sau mỗi lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn làm sạch tấm chắn che mặt của CDC.
+ Tấm chắn mặt bằng nhựa cho trẻ sơ sinh và trẻ em KHÔNG được khuyến khích.