PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Những người tiếp xúc F0 nhưng có miễn dịch tốt, họ không bị nhiễm là chuyện bình thường. Ngoài ra, người có miễn dịch tốt và thời gian tiếp xúc không nhiều, nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp",.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM phân tích ở người tiêm đủ liều vaccine, cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus.
"Dù đã tiêm vaccine và có kháng thể, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là vấn đề của xã hội, chúng ta nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Dù không triệu chứng, việc trở thành F0 cũng gia tăng số ca mắc, làm hoạt động xã hội bị cản trở", PGS Dũng khuyến cáo.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nói về tình huống phơi nhiễm do nhiều nguyên nhân. Tình huống cụ thể là với nhiều nhân viên làm việc trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến nhưng vẫn không bị mắc bệnh. Đó là do họ thực hiện 5K và phòng hộ cá nhân tốt. Ngoài ra, một số trường hợp cũng bị phơi nhiễm nhẹ khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc phơi nhiễm nhẹ trong thời gian dài cũng làm miễn dịch ngày càng tăng.
"5K không giúp chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn, giả sử bị lây nhưng lượng virus yếu, kháng thể vẫn tấn công được chúng, từ đó giúp miễn dịch lâu dài. Nếu không 5K, lượng virus xâm nhập càng nhiều, người bệnh có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, tăng khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, tôi không ủng hộ việc cố tình để lây nhiễm tự nhiên", PGS Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết nguyên nhân là hiệu quả của vaccine và tuân thủ tốt 5K. Việc lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ (gần hay xa), thời gian, không gian tiếp xúc (thông thoáng hay phòng kín), người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không.
"Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vaccine và 5K tốt, như vậy cần tiếp tục phát huy để bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý chán nản hay chờ đến lượt mình mắc bệnh", PGS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.