Tính từ 6h đến 18h ngày 19/4, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, 6 ca mắc mới là các BN2786-2791, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Yên Bái (1), Phú Yên (1), Tây Ninh (1) và TP.HCM (3).
Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ tỉnh Kiên Giang xây dựng bệnh viện dã chiến
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 19/4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã cử Đội phản ứng nhanh gồm 13 thành viên lên đường đến tỉnh Kiên Giang xây dựng bệnh viện dã chiến, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 13 thành viên của Đội phản ứng nhanh tới Kiên Giang đến từ nhiều khoa, phòng khác nhau như Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh nhiệt đới, Thận nhân tạo, Sinh hóa, Vi sinh… Đội phản ứng nhanh sẽ phối hợp cùng chính quyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID -19 tỉnh Kiên Giang khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến ở thành phố Hà Tiên (quy mô khoảng 300 - 500 giường) và thành phố Rạch Giá (quy mô trên 500 giường).
Đồng thời, phối hợp xây dựng một Đơn vị Hồi sức tích cực (ICU), có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng, bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo... tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên – nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, ngày 18/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu cùng Ban Lãnh đạo của Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang, kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, với hơn 56 km đường biên giới chung với Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Kiên Giang là rất lớn. Do vậy, công tác phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện, các phương án, kịch bản phòng, chống và ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng kỹ lưỡng, sẵn sàng cho nhiều tình huống khác nhau của dịch bệnh.
Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 19/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142,072 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3,034 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 120,640 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.061 ca tử vong trong tổng số 32,404 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 178.793 ca tử vong trong số 15,061 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 373.442 ca tử vong trong số 13,943 triệu bệnh nhân.
Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa tại thủ đô New Delhi
Chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 1 tuần bắt đầu từ tối 19/4, trong bối cảnh đại đô thị này đang chật vật kiểm soát sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Trong ngày 19/4, quốc gia rộng lớn với 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 273.810 ca, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca mắc mới vượt hơn 200.000 ca.
Riêng trong ngày 18/4, New Delhi, thành phố bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nhất, ghi nhận 25.500 ca mắc mới.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho biết hệ thống y tế của khu vực đang quá tải và tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng.
Ông nhấn mạnh: "Nếu không áp đặt lệnh phong tỏa ngay lúc này, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa còn lớn hơn. Từ tối nay, lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng cho tới ngày 26/4 tới".
Theo lệnh phong tỏa mới, các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa và việc di chuyển xung quanh khu vực phía Bắc thủ đô thành phố với 20 triệu dân sẽ chỉ áp dụng cho các dịch vụ thiết yếu.
Thủ hiến Kejriwal nêu rõ: "Lệnh phong tỏa này không xóa sổ được đại dịch mà chỉ làm chậm tốc độ lây lan của nó. Chúng tôi sẽ tận dụng lệnh phong tỏa kéo dài 1 tuần này để cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế".
Ông cũng lưu ý hệ thống chăm sóc y tế của New Delhi đang bị quá tải nghiêm trọng và đã "đến giới hạn".
Một số khu vực của Nhật Bản có thể quay trở lại tình trạng khẩn cấp
Tại Nhật Bản, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây có thể khiến chính phủ tái áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nhiều khu vực trọng yếu. Theo đó, nhà chức trách thủ đô Tokyo và Osaka đang xem xét việc gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch lây lan.
Làn sóng lây nhiễm mới đang làm phức tạp công tác chuẩn bị cho Olympic Tokyo, dự kiến khởi tranh vào tháng Bảy tới.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản trong tháng này đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với Tokyo, Osaka và 8 tỉnh khác.
Tuy nhiên, những biện pháp này đã không phát huy hiệu quả để có thể đảo ngược xu hướng gia tăng số ca mắc tới nay, khi Osaka ghi nhận con số kỷ lục 1.220 ca mắc mới trong ngày 18/4, hai tuần sau khi những biện pháp hạn chế trên có hiệu lực.
Trao đổi với báo giới, Thống đốc tỉnh Osaka, Hirofumi Yoshimura cho rằng đáng ra tới thời điểm này, các biện pháp hạn chế đã phát huy hiệu quả. Ông nhấn mạnh: "Các dịch vụ y tế đang trong tình trạng tồi tệ và chúng tôi đã quyết định cần (ban bố) tình trạng khẩn cấp. Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ hơn, như việc hạn chế ngăn người dân di chuyển".
Ông cũng cho biết tỉnh đông dân thứ ba của Nhật Bản sẽ trình yêu cầu chính thức lên chính phủ trong ngày 20/4.
Trong khi đó, Thị trưởng Tokyo, Yuriko Koike cũng cho biết đang xem xét đưa ra kiến nghị áp đặt tình trạng khẩn cấp. Trong ngày 18/4, Tokyo ghi nhận 543 ca mắc mới.
(Tổng hợp)