Tính từ 6h đến 18h ngày 20/4, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới là các BN2792-2801 được cách ly ngày sau khi nhập cảnh tại Hưng Yên (1), Hòa Bình (2), Nghệ An (1), Đà Nẵng (5) và Hà Nội (1).
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong ngày 20/4 có 15 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến hôm nay, nước ta đã chữa khỏi 2.490 trong tổng số 2.801 bệnh nhân mắc COVID-19.
Kiên Giang phát hiện 5 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia
Vào lúc 2 giờ ngày 20/4, tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới, thành phố Phú Quốc, trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện 4 phụ nữ lạ tại khu vực cảng cá An Thới. Sau khi xác định đây là những công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường biển vào địa bàn, tổ công tác đã cưỡng chế trên tinh thần tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Qua điều tra nhanh, các công dân này khai còn một người phụ nữ đi cùng sau khi lên bờ hiện ở đâu không rõ. Tổ công tác phối hợp cùng các lực lượng tiến hành kiểm tra các quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ… đến khoảng 4 giờ cùng ngày thì phát hiện và cưỡng chế người phụ nữ còn lại tại khách sạn Huỳnh Trâm, phường An Thới.
Các công dân này còn khai cùng đi trên tàu còn có một nam giới, nói tiếng nước ngoài (không rõ quốc tịch), sau khi tàu cập cảng không lên bờ mà tiếp tục theo tàu ra biển, hiện ở đâu không rõ. Các công dân này khai là do dịch bệnh đang bùng phát tại Campuchia, nên thuê tàu chở về Việt Nam qua địa bàn thành phố Phú Quốc, chi phí từ 1.000 USD - 1.200 USD/người.
Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 20/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142,803 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3,046 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 121,338 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.542 ca tử vong trong tổng số 32,475 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 180.550 ca tử vong trong số 15,321 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 375.049 ca tử vong trong số 13,977 triệu bệnh nhân.
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia thiết lập các "vùng đỏ"
Ngày 20/4, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo thiết lập các "vùng đỏ” lây nhiễm dịch COVID-19 nghiêm trọng ở 3 quận Steung Meanchey, Por Senchey và Toul Kork.
Báo Khmer Times đưa tin, các khu vực được đưa vào danh sách "vùng đỏ" gồm các phường Steung Meanchey I, II, III (quận Steung Meanchey), phường Choam Chao I (quận Por Senchey) và các làng 14, 16, 17 thuộc phường Boeung Salang (quận Toul Kork). Theo thông báo, người dân ở “vùng đỏ” không được rời khỏi nơi cư trú hoặc ra ngoài tập thể dục, thể thao. Chợ và các cửa hàng tạp hóa và các hình thức kinh doanh khác trong những khu vực này cũng tạm dừng hoạt động, trừ dịch vụ công.
Bộ Tài chính và Kinh tế Campuchia đã bãi bỏ cơ chế trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong thời gian phong tỏa và thay thế bằng cơ chế cứu trợ khẩn cấp cho người dân ở “vùng đỏ”. Theo đó, người nghèo trong khu vực này sẽ được nhận gạo, mì ăn liền, cá hộp, nước mắm và nước tương.
Đêm 18/4, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã ký ban hành quy định mới về xử phạt người vi phạm lệnh phong tỏa và giới nghiêm. Quy định nêu rõ người dân sẽ bị phạt 625 USD nếu không tuân thủ lệnh cấm đi lại, phạt 500 USD nếu tụ tập đông người và uống rượu bia, phạt 750 USD nếu vi phạm lệnh cấm làm việc và buôn bán. Mức phạt còn cao hơn đối với hành vi vi phạm lệnh giới nghiêm (875 USD) và vận chuyển hàng hóa không cấp thiết, gây nguy cơ lây lan dịch COVID-19 (1.250 USD).
Malaysia tiếp tục ghi nhận hơn 2.300 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày
Ngày 20/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 2.341 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 379.473. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Malaysia ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19.
Bang Sarawak tiếp tục có số người nhiễm trong ngày cao nhất, với 600 ca, tiếp đến là bang Selangor với 539 ca, Kelatan 429 ca và thủ đô Kuala Lumpur 344 ca.
Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 3-16/4, bang Kelantan đã ghi nhận tổng cộng 464 ca nhiễm bệnh liên quan tới các trường học, bao gồm cả học sinh, giáo viên và nhân viên phục vụ.
Trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, chính phủ nước này đã tiến hành rà soát lực lượng lao động nhập cư bất hợp pháp để triển khai việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho những đối tượng này, thậm chí đề nghị chủ lao động cam kết tiêm phòng vaccine COVID-19 cho nhân công.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin cho biết tính đến nay, đã có tổng cộng 145.830 người lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký Chương trình rà soát lực lượng lao động và Chương trình rà soát lực lượng lao động để hồi hương kể từ khi 2 chương trình này được triển khai vào tháng 11/2020.
Ông Hamzah cho rằng mục đích của chính phủ khi triển khai hai chương trình trên nhằm đảm bảo chỉ có những người nước ngoài có giấy tờ hợp pháp mới được làm việc tại nước này.
Theo ông, nếu còn những người lao động nhập cư bất hợp pháp không được tiêm phòng thì đất nước sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng, đồng thời hối thúc Cục nhập cư hợp tác để đảm bảo tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Malaysia hợp tác với chính phủ về vấn đề này.