Tính từ 6h đến 18h ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca mắc mới là các BN2963-2981, trong đó 9 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (1), Đà Nẵng (2), Khánh Hòa (5) và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Vĩnh Phúc (8) và Hà Nam (2).
Tại Vĩnh Phúc, 8 ca nhiễm trong cộng đồng gồm có 5 bệnh nhân (BN2972-2976) là nhân viên tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố Vĩnh Yên, và đều có tiền sử tiếp xúc gần với nhóm chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh, cách ly ngay từ ngày 9-23/4/2021 ở tỉnh Yên Bái. Nhóm này hoàn thành cách ly và đi nhiều nơi, trong đó có các địa điểm của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện các bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
3 bệnh nhân còn lại tại Vĩnh Phúc (BN2977-2979) có tiền sử dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại quán bar Sunny ở thị xã Phúc Yên. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
2 ca nhiễm tại Hà Nam gồm BN2980 là F1 của BN2951; BN2981 là F1 của BN2941. Cả 2 ca nhiễm này đều liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Chỉ từ 29/4 đến 15h ngày 3/5, Việt Nam đã có 34 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại 5 tỉnh, thành phố gồm Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên.
Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 18h chiều 3/5, thế giới đã ghi nhận 153,562 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3,217 triệu ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất thế giới, với hơn 33,18 triệu ca nhiễm và hơn 591.000 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới -hiện là hơn 19,92 triệu ca, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã vượt 407.000 ca.
Số ca mắc COVID-19 tại Lào giảm mạnh
Bộ Y tế Lào chiều 3/5 cho biết, nước này đã ghi nhận 33 ca mắc COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24h qua, giảm hơn 3 lần so với 112 ca được phát hiện trong ngày 2/5.
Mặc dù vẫn là địa bàn có nhiều ca mắc nhất trên cả nước, song thủ đô Viêng Chăn hôm nay chỉ ghi nhận 16 ca, một mức giảm rất mạnh so với những ngày trước đó.
Số ca ở các thành phố lớn khác của Lào cũng giảm khi Champasak chỉ ghi nhận 4 ca, Savanakhet 3 ca, trong khi điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Lào là tỉnh Bokeo cũng chỉ ghi nhận 7 ca.
Điều này cho thấy cho thấy các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ của chính phủ Lào cùng sự tuân thủ của người dân đã bước đầu đem lại hiệu quả, dù tình hình hình dịch vẫn rất khó lường.
Đến thời điểm hiện tại, 18/18 tỉnh, thành của Lào vẫn đang trong tình trạng phong tỏa đến hết ngày 5/5. Hiện các giới chức Lào cũng đang thảo luận về việc có nên gia hạn tình trạng này thêm một thời gian nữa hay không và nếu gia hạn sẽ là bao lâu.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 60 bệnh nhân và chưa có trường hợp nào tử vong.
Campuchia ghi nhận gần 850 ca mắc mới trong một ngày
Bộ Y tế Campuchia trưa 3/5 xác nhận có thêm 841 ca nhiễm mới COVID-19, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, cao hơn so với con số 730 ca của một ngày trước đó. Tổng số ca bệnh nhân COVID-19 tại nước này từ đầu dịch đến nay hiện là 15.361 người.
Cho dù số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 không ngừng tăng kể từ khi chính quyền Campuchia phong tỏa Phnom Penh và Takhmau (Kandal) từ ngày 15/4 vừa qua, nhưng tối 2/5, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đăng tải thông tin trên Facebook cá nhân rằng, sau ngày 5/5 tới, Chính phủ Campuchia sẽ dỡ bỏ tình trạng phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh khác, ngoại trừ những khu vực còn tình trạng lây nhiễm cao COVID-19.
Trước đó, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã phân cấp 4 quận gồm Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol thuộc “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa hoàn toàn với các biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhất. Còn tại “Khu vực Vàng sẫm” và “Khu vực Vàng” ở thủ đô, người dân đã được phép mua bán hàng hóa trở lại trong khu vực họ sinh sống.
Liên quan tới công tác tiêm chủng, thủ tướng Hun Sen cho biết nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh và Kandal trong tháng 5 và tháng 6/2021. Tính đến nay, hơn 1,3 triệu người tại Campuchia đã được chủng ngừa COVID-19.