Nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban với 24 người từng nhiễm biến thể Omicron ban đầu của virus SARS-CoV-2 nhưng chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 15 người đã tiêm vaccine. Các mẫu máu thu được cho thấy ở những người từng nhiễm Omicron, lượng kháng thể trung hòa giảm gần 8 lần khi được thử nghiệm
Đối với những người đã tiêm phòng, lượng kháng thể trung hòa giảm khoảng 3 lần trong quá trình thử nghiệm tương tự. Tuy nhiên, lượng kháng thể này vô cùng thấp ở những người chưa tiêm phòng. Do vậy, nhóm này không có khả năng đề kháng với 2 biến thể phụ mới, từ đó tiềm ẩn nguy cơ BA.4 và BA.5 có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mới.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh gia tăng số ca mắc mới tại Nam Phi - quốc gia lần đầu tiên trải qua làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron.
Cụ thể trong tuần cuối tháng 4, số ca mắc tại Nam Phi tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng cao. Sự gia tăng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gauteng, Western Cape và KwaZulu-Natal, xảy ra chỉ vài tháng sau làn sóng Omicron xuất hiện tại Nam Phi vào mùa đông năm 2021.
BA.4 và BA.5 đều là hai nhánh của Omicron ban đầu, được phát hiện lần đầu vào tháng 11/2021. Trước đó, WHO cũng cho biết họ đang theo dõi chặt BA.4 và BA.5 vì chúng chứa các đột biến bổ sung cần được nghiên cứu thêm để hiểu tác động của nó với khả năng thoát khỏi miễn dịch.
Hai dòng phụ này có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.2 và bản thân chúng cũng dễ lây hơn chủng Omicron ban đầu. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu chúng có khiến người nhiễm mắc bệnh nặng hơn không.
Các triệu chứng ở người nhiễm BA.4 và BA.5 vẫn khá giống với những ca nhiễm chủng Omicron gốc như sốt, mất khứu giác, mệt mỏi, khó chịu. Người mắc không bị suy hô hấp - triệu chứng cho thấy bệnh đang trở nặng. Do đó, các chuyên gia kết luận nó ít có khả năng gây chết người hơn.