Thay vì áp dụng chế độ ăn nghiêm khắc, các giáo trình luyện tập, dinh dưỡng, bạn sẽ thấy sao nếu có một loại thần dược giúp cơ thể ngăn chặn bệnh tật, cải thiện trí não, giảm căng thẳng trong khi bản thân đang co cụm trong nhà vì đại dịch?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ là câu trả lời của bạn. Đó chính là liều thuốc hữu hiệu giúp phòng ngừa những tình trạng liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc của chúng ta.
“Trong giai đoạn khó khăn này, đại dịch có khả năng gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ. Một giấc ngủ kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới cảm giác ban ngày của chúng ta, mà còn làm tổn hại tới chức năng hệ thống miễn dịch, chìa khóa quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh thông thường”, bác sĩ Matthew Schmitt tại trung tâm chăm sóc sức khỏe Piedmont, Georgia (Mỹ) chia sẻ.
Một giấc ngủ chất lượng mang nhiều lợi ích về sức khỏe cho cơ thể (Ảnh: WoW Style). |
Duy trì một thói quen ngủ là một trong những nỗ lực cần cho một giấc ngủ chất lượng, bên cạnh việc ăn uống lành mạnh đúng giờ và hạn chế uống café.
“Tất cả những điều này thực sự kết nối với nhau về mặt chức năng, và gắn kết với chiếc đồng hồ cơ thể. Cơ thể như một dàn nhạc mà người chỉ huy làm việc như một chiếc đồng hồ chính, trong khi mọi người chơi cùng nhau và tối ưu hóa công việc của bản thân”, Meir Kryger, giáo sư y học phổi và lâm sàng về điều dưỡng tại trường y Yale cho biết.
Một khi xây dựng được thói quen ngủ, đây là những lợi ích mà giấc ngủ đem lại cho cơ thể bạn
Giúp cơ thể hồi phục và chữa lành
Hàng đêm, khi đôi mắt chúng ta nhắm lại là lúc cơ thể bắt đầu quá trình tự “sửa chữa” sau khi thực hiện hàng loạt các chức năng hàng ngày.
“Cơ thể cũng như một chiếc ô tô chạy cả ngày trong 16 tiếng, bạn sẽ buộc phải làm điều gì đó để nó trở lại bình thường. Bạn không thể tiếp tục chạy tiếp được”, giáo sư Kryger cho biết.
Ngủ là lúc cơ thể sản xuất ra lượng hormone tăng trưởng nhiều nhất, dẫn tới sự phát triển của xương. Các tế bào lúc này được nghỉ ngơi, cơ bắp được thư giãn và các hội chứng viêm được suy giảm. Mỗi tế bào và nội tạng có đồng hồ sinh học của riêng chúng, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tốt ưu hóa cách hoạt động của cơ thể.
Giảm các nguy cơ nhiễm bệnh
Giấc ngủ là một yếu tố bảo vệ chống lại bệnh tật. Theo giáo sư Kryger, việc ngủ quá nhiều hay quá ít đều làm tăng nguy cơ tử vong và các bệnh tật khác như các vấn đề về tim mạch hay tiểu đường. Thời gian hồi phục trong khi ngủ cũng là một yếu tố quan trọng bởi nó cho phép các tế bào có thể gây bệnh được “tự chữa”.
Cải thiện chức năng nhận thức
Giấc ngủ nuôi dưỡng chức năng sáng tạo và nhận thức, yếu tố phụ trách khả năng học hỏi, suy nghĩ, suy luận, ghi nhớ, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và sự tập trung.
“Khi bạn ngủ, bộ nhớ được khởi động lại, liên kết giữa các tế bào não bộ được tăng cường, và thông tin được chuyển hóa từ ngắn tới dài hạn”, một bài viết của Hiệp hội giấc ngủ quốc gia Mỹ có viết.
Giảm căng thẳng
Một giấc ngủ đủ về cả chất lượng lẫn số lượng có thể cải thiện tâm trạng của bạn, khuyến khích khả năng não bộ điều chỉnh những phản ứng cảm xúc đối với các sự kiện trung tính lẫn các sự kiện gây xúc động.
Giúp duy trì một cân nặng khỏe mạnh
Giấc ngủ có thể giúp bạn giữ một cân nặng khỏe mạnh hay làm tăng cơ hội giảm mỡ thừa.
Việc thèm ăn được kiểm soát bởi hai hoocmon là leptin và ghrelin. Leptin phụ trách thông báo bản thân đã no trong khi ghrelin truyền đạt cơn đói. Theo giáo sư Kryger, hai hoocmon này sẽ xoay chiều sai hướng nếu chúng ta thiếu ngủ. Ghrelin sẽ tăng lên trong khi leptin thì suy giảm, khiến cơ thể cảm thấy đói, làm bạn ăn quá độ và gây nên tình trạng thừa cân.
Giấc ngủ cũng giúp cơ thể duy trì mức độ ổn định của hormone gây căng thẳng cortisol, quyết định cách mà chúng ta giữ những chất béo dư thừa.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Giáo sư Kryger đã từng chứng kiến hệ thống miễn dịch của những bệnh nhân mắc chứng thiếu ngủ thất bại đối với những chức năng cơ bản. Giấc ngủ giúp cơ thể sản sinh và giải phóng cytokines, một loại protein giúp tạo ra phản ứng miễn dịch bằng cách nhắm vào các tế bào viêm và nhiễm trùng.
Ngoài ra, nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng khi cơ thể thiếu ngủ, chúng không có phản ứng mạnh mẽ với việc tiêm chủng. Điều này hết sức quan trọng khi bạn nghĩ về việc vacxin cho Covid-19 đang được nghiên cứu.
Cuộc sống xã hội có thể được cải thiện
Những lợi ích về mặt cảm xúc có thể cải thiện cuộc sống xã hội của bạn. Việc thiếu ngủ sẽ khiến bản thân bực dọc, ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy trong nhận thức cũng như khiến người khác không dám lại gần.
Ngủ đủ giấc giúp bạn tự tin hơn, thoải mái với bạn bè cũng như hỗ trợ những nỗ lực của bạn trong công việc.
Hỗ trợ sức khỏe tinh thần
Những bệnh lý về rối loạn sức khỏe tâm thần thường liên quan đến những giấc ngủ không đạt chuẩn. Theo giáo sư Kryger, thiếu ngủ có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, cho dù bản thân không mắc chứng rối loạn mãn tính.
“Việc ngủ đủ giấc vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa những bệnh về tâm thần hay sự xuất hiện của bệnh lý. Ngoài ra, nó còn có thể giúp việc điều trị các bệnh về tâm thần hiệu quả hơn”.
Giảm độ nhạy cảm với đau đớn
Một nghiên cứu năm 2019 đã cho thấy, việc kéo dài thời gian ngủ ban đêm hay giấc ngủ trưa giúp khôi phục độ nhạy cảm với cơn đau về mức độ bình thường, trong khi những người thiếu ngủ có ngưỡng chịu đau thấp hơn.
Tăng khả năng thành công của bạn
Chính bởi giấc ngủ có thể giúp cải thiện sức khỏe về mọi mặt, giúp chúng ta có thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Chức năng nhận thức khỏe mạnh, điều tiết cảm xúc, sự thích nghi và đời sống xã hội là tất cả nền tảng để theo đuổi và đạt được các mục tiêu trong cuộc sống.