Theo Reuters, một nghiên cứu hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 đã được thực hiện với 499 nhân viên y tế tại Hàn Quốc, trong đó có 100 người được tiêm hỗn hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer, 200 người tiêm hai mũi tiêm Pfizer và những người còn lại tiêm hai mũi AstraZeneca.
Kết quả cho thấy, tất cả đối tượng nghiên cứu đều được phát hiện có kháng thể trung hòa, là kháng thể ngăn không cho virut xâm nhập vào tế bào và nhân lên, và kết quả của việc tiêm kết hợp AstraZeneca – Pfizer cho thấy lượng kháng thể trung hòa tương đương với lượng kháng thể ở người được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer.
Nghiên cứu này có thể coi như một điểm tựa giúp các quốc gia đưa ra lựa chọn vaccine linh hoạt hơn, hoặc chọn một vaccine thay thế AstraZeneca trong mũi tiêm thứ hai, sau khi loại vaccine này được phát hiện có liên quan đến các ca đông máu hiếm gặp, Reuters nhận định.
Trước đó, một nghiên cứu ở 850 tình nguyện viên từ 50 tuổi trở lên tại Anh do Đại học Oxford thực hiện cũng kết luận việc phối hợp sử dụng 1 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca và 1 liều vaccine Pfizer theo thứ tự bất kỳ mang lại sự bảo vệ tốt cho cơ thể trước virus SARS-CoV-2.
Dữ liệu nghiên cứu này đã ủng hộ thêm cho quyết định của một số quốc gia về việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho AstraZeneca với mũi tiêm thứ hai khi vaccine này có liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp sau tiêm.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nghiên cứu mới này cũng phân tích khả năng kháng thể trung hòa chống chọi lại các biến thể virut corona.
Kết quả cho thấy, đối với cả 3 nhóm tiêm vaccine nêu trên, so với biến thể Alpha (lần đầu tiên được phát hiện ở Anh) thì hiệu giá kháng thể trung hòa giảm 2,5 đến 6 lần với biến thể Beta, Gamma và Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, Brazil và Ấn Độ).