Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rất nhiều người bị nhiễm COVID-19, trong đó có trẻ em đang đối mặt với những di chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh, hay còn gọi là Long COVID.
Cụ thể theo bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long COVID, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan di chứng hậu COVID-19, hầu hết triệu chứng thường xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên kể từ khi xuất hiện biến chủng Delta dễ lây lan, nhiều báo cáo cho thấy số trường hợp mắc bệnh ở trẻ em cũng tăng lên so với chủng virus trước đó.
Theo WHO, Long COVID là tình trạng di chứng xảy ra trong khoảng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết phần lớn trẻ em không có các triệu chứng khi bị nhiễm nCoV, hoặc các triệu chứng rất nhẹ. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em có thể bị di chứng hậu Covid-19 kéo dài, nhưng dường như cũng ít phổ biến hơn ở người lớn. Đặc biệt, trẻ cũng có xu hướng hồi phục nhanh hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em mắc COVID-19 nhẹ và nặng đều có thể gặp phải các di chứng kéo dài, phổ biến là mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, khó tập trung, đau cơ và khớp, ho.
Theo Zing, trong nghiên cứu của các nhà khoa học Australia với 2.000 trẻ em và người lớn mắc COVID-19 ở New South Wales, 20% trường hợp có các triệu chứng dai dẳng sau 30 ngày nhiễm virus. Đến ngày thứ 90, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5%. Nhóm tuổi trẻ nhất (0-29 tuổi) có nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn các nhóm tuổi lớn hơn.
Nghiên cứu khác của Đại học Victoria, Australia, kiểm tra dữ liệu của 151 trẻ em mắc bệnh nhẹ, 8% trong số đó gặp di chứng dai dẳng đến 8 tuần. Tuy nhiên, tất cả đều đã hồi phục hoàn toàn sau 3-6 tháng.
Theo Webmd, nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay là từ Đại học King's College London (Anh), theo dõi dữ liệu ở trẻ em 5-17 tuổi mắc Covid-19. Trong số 1.734 trẻ em, 4,4% gặp di chứng kéo dài 28 ngày sau khi khởi phát bệnh. 1,8% trẻ gặp Long Covid ở ngày thứ 56.
Từ tháng 9/2020 đến 2/2021, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm: mệt mỏi (55%), sốt ở trẻ 5-11 tuổi (43,7%), nhức đầu (62,2%), đau họng ở trẻ 12-17 tuổi (51%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 37 trẻ phải nhập viện để theo dõi nhưng không có bất kỳ trường hợp nào tử vong.
Các chuyên gia cũng phát hiện trẻ độ tuổi lớn hơn (12-17 tuổi) có nhiều khả năng mắc các triệu chứng Long COVID hơn so với trẻ 5-11 tuổi. Trẻ em có thể gặp các di chứng kéo dài khác như: Khó suy nghĩ hoặc tập trung, tức ngực, ho, trầm cảm hoặc lo lắng, tim đập nhanh, đau khớp hoặc cơ, chóng mặt khi đứng lên, mất mùi hoặc vị, khó thở.
Các triệu chứng cụ thể ở trẻ có thể phụ thuộc vào mức độ bệnh. Nếu phải điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc sử dụng máy thở, trẻ có thể bị yếu cơ, mệt mỏi, nhịp tim nhanh và sương mù não. Đây là tất cả tác dụng phụ thường gặp ở những người đã ở trong ICU.
3/4 trẻ gặp di chứng kéo dài cho biết đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, dữ liệu về 1/4 trẻ còn lại không có đủ, vì vậy, các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu có bao nhiêu trẻ trong nhóm này có thể gặp vấn đề lâu dài hơn.
Mặc dù ít xảy ra và nhẹ, các trường hợp trẻ nhỏ gặp Long COVID vẫn xảy ra. Một số trẻ bị ho dai dẳng và mệt mỏi vào khoảng thời gian 4 tuần. Cha mẹ có thể lo lắng, nhưng nên yên tâm rằng hầu hết trẻ em sẽ bình phục hoàn toàn.
Trong quá trình trẻ hồi phục, cha mẹ nên đảm bảo con ngủ đủ giấc, dần dần trở lại các hoạt động bình thường. Khi trẻ bị mệt mỏi, uể oải, con cần nghỉ ngơi đầy đủ, trong thời gian ngắn và sau khi tham gia các hoạt động.
Các triệu chứng Long COVID có thể ảnh hưởng khả năng học tập hoặc hoạt động bình thường của trẻ. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục sau 4 tuần, cha mẹ nên cân nhắc nói chuyện với giáo viên hoặc nhân viên y tế về tình trạng của con.