Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi “COVID-19 kéo dài” hoặc “hậu COVID-19” sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, thay đổi khứu giác và lo lắng hơn so với bạn bè đồng trang lứa khỏe mạnh.
Các triệu chứng thường tác động đến hoạt động hàng ngày như thay đổi thói quen ăn uống, hoạt động thể chất, hành vi, kết quả học tập, chức năng xã hội (tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình) và các cột mốc phát triển.
Theo WHO, các triệu chứng có thể khởi phát sau khi đã có sự hồi phục ban đầu sau đợt mắc COVID-19 cấp tính hoặc vẫn tồn tại sau đợt nhiễm bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.
Các triệu chứng ở trẻ em có thể bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên và kéo dài ít nhất 2 tháng, giống như người lớn, đó là mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, giảm trí nhớ, mất tập trung hoặc các vấn đề về giấc ngủ, ho dai dẳng, đau ngực, khó nói, đau cơ, mất khứu giác hoặc vị giác, trầm cảm hoặc lo lắng và sốt.
Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cho biết chính phủ liên bang đang phát triển chiến lược để đối phó với tình trạng “COVID-19 kéo dài.”
Tuy nhiên, ông không đưa ra mốc thời gian chiến lược sẽ được thực thi bởi việc thu thập dữ liệu “COVID-19 kéo dài” rất phức tạp và đầy thách thức do không có định nghĩa rõ ràng.
Ông cho biết những định nghĩa về “COVID-19 kéo dài” mà Australia đang sử dụng hiện nay là định nghĩa của WHO, định nghĩa của Viện chăm sóc sức khỏe quốc gia (NICE) của Anh, phù hợp cho mục đích nghiên cứu hơn vì định nghĩa này rất rộng.
Giáo sư Kelly cũng dự đoán một “làn sóng COVID-19” khác sẽ xảy ra trong năm nay. Theo ông, đại dịch sẽ kéo dài ngay cả khi giai đoạn cấp tính đang dần chậm lại./.
Thanh Tú (TTXVN/Vietnam+)