• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn trước COVID-19 không?

Khi TPHCM đang khảo sát việc có cho trẻ đeo khẩu trang khi đến trường hay không thì TS.Nguyễn...

Ngày 4/3, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản khẩn gửi các đơn vị của ngành giáo dục, đề nghị thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh về việc đeo khẩu trang trong trường học.

Thực tế, phụ huynh không phải chuyên gia y tế. Nhiều tin tức trái chiều về việc khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh hay không, khiến họ bối rối khi nhận được câu hỏi khảo sát này.

Nhiều phụ huynh bối rối khi nhận được khảo sát về việc đeo khẩu trang trong trường học. Ảnh minh họa.
Nhiều phụ huynh bối rối khi nhận được khảo sát về việc đeo khẩu trang trong trường học. Ảnh minh họa.

Việc hiểu sai vấn đề có thể làm cho tình hình dịch bệnh khó kiểm soát hơn. Chia sẻ dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Hoa Kỳ) sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này.

Hiểu đúng về tác dụng của khẩu trang y tế

Một loạt các bài viết với nội dung “Bạn không cần khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm virus corona”. Thỉnh thoảng lại có tin đưa các dẫn chứng về “lời khuyên” của WHO, CDC về việc không khuyến cáo mọi người sử dụng khẩu trang…

Để đánh giá được các “lời khuyên” trên đúng hay sai thì bạn đọc nên hiểu cái gốc của vấn đề đó là dịch bệnh đường hô hấp do virus thường lây lan như thế nào.

Trước hết, virus này sống chủ yếu trong các tế bào ở đường hô hấp. Chúng xâm nhiễm vào tế bào, sinh sản, nhân lên trong các tế bào đó và thoát ra ngoài. Do vậy, sự hiện diện của chúng trong các dịch của đường hô hấp là chuyện tất yếu (vì vậy hiện nay để xét nghiệm tìm người nhiễm, người ta lấy mẫu kiểm tra ở các dịch vòm họng, mũi hoặc dịch rửa phổi).

Khi người bệnh ho và hắt xì thì sức nén của hơi thoát ra sẽ biến những dịch trong đường hô hấp thành những hạt dịch nhỏ (tiếng anh gọi là droplet) chứa các virus trong đó. Khoa học đã chứng minh khi hắt xì các hạt dịch đó có thể văng ra với vận tốc 50m/s, xa đến hơn 6m; ho thì các hạt dịch sẽ di chuyển với vận tốc 10m/s, khuếch tán xa hơn 2m và từ việc thở bình thường thì các hạt dịch chỉ di chuyển vận tốc 1m/s và chỉ khuếch tán trong vòng 1m.

Các bước đeo khẩu trang y tế đúng cách. Ảnh minh họa.
Các bước đeo khẩu trang y tế đúng cách. Ảnh minh họa.

Điểm tiếp theo cần làm rõ đó là các hạt dịch này có kích thước bao nhiêu và có xuyên qua được khẩu trang y tế 3 lớp mà chúng ta thường dùng hay không?

Theo một nghiên cứu năm 2013, các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micromet (1 micromet = 1000 nanomet) và các khẩu trang y tế 3 lớp thông thường có khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên. Do vậy, các hạt dịch đó có thể dễ dàng bị giữ lại ở phía ngoài khẩu trang.

Đến đây, dựa trên các thông tin khoa học các bạn có thể hiểu tại sao khẩu trang y tế “có ích” trong việc bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm bệnh trong mùa dịch virus đường hô hấp.

Ngoài ra, một loạt các bài báo khoa học khác cũng đã chứng minh khẩu trang y tế có khả năng bảo vệ nhân viên y tế trong các dịch bệnh đường hô hấp và hiệu quả của nó cũng ngang ngửa với khẩu trang N95. Đó là lý do tại sao các bạn thấy các nhân viên y tế hoạt động trong mùa dịch đều ít nhất phải có đeo khẩu trang.

Vậy rõ ràng nó hiệu quả vậy với nhân viên y tế, tại sao thông tin lại nói nó không hiệu quả với người thường?

Các lý luận mà mình thấy người ta đưa ra để giải thích cho điều này chung quy là “do người thường không biết đeo khẩu trang sao cho đúng” như: lấy tay sờ vào mặt trước khẩu trang, đeo không sát mặt… Vậy các bạn nên học cách đeo khẩu trang cho đúng để tự bảo vệ mình chứ không phải khẩu trang không có tác dụng bảo vệ các bạn! Nếu nó không có tác dụng thì các nhân viên Y tế đã không dùng chúng làm gì! 

Ai nên đeo khẩu trang, trong trường hợp khan hiếm?

Trong trường hợp thiếu thốn khẩu trang, nhân viên y tế là đối tượng thứ nhì trong danh sách ưu tiên cần được sử dụng khẩu trang y tế. Ảnh minh họa.
Trong trường hợp thiếu thốn khẩu trang, nhân viên y tế là đối tượng thứ nhì trong danh sách ưu tiên cần được sử dụng khẩu trang y tế. Ảnh minh họa.

Trong trường hợp thiếu thốn khẩu trang thì các thứ tự ưu tiên nên được sắp xếp như sau:

1. Người đang bệnh: Đây là đối tượng ưu tiên hàng đầu vì nếu không người này sẽ rất dễ phát tán mầm bệnh cho mọi người xung quanh và số người nhiễm bệnh sẽ tiếp tục tăng lên không kiểm soát được.

2. Nhân viên Y tế: Những người này tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân mang mầm bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh của họ cao hơn rất nhiều so với những người thường bên ngoài. Việc hỗ trợ trang bị cho họ tối đa để họ không bị nhiễm, họ khỏe mạnh thì mới có thể giúp người bệnh khác được.

3. Người nhà chăm sóc người bệnh: Cũng như nhân viên Y tế, người này tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh nên việc ngăn ngừa lây nhiễm là cần thiết.

4. Những người khỏe mạnh đến chỗ đông người trong vùng có nhiều người nhiễm bệnh nhưng chưa xác định được trong cộng đồng (xuất hiện hiện tượng lây nhiễm cộng đồng). Để tránh những người trong môi trường công cộng hắt xì, ho, làm văng hạt dịch mang virus ra ngoài khẩu trang hoặc thậm chí họ không có khẩu trang hay đeo chưa đúng cách.

Do vậy, nếu trong tình huống dịch bệnh xảy ra mà thiếu thốn khẩu trang thì bạn nên “nhường” theo thứ tự ưu tiên như trên và người trẻ nhường cho người già, người có sẵn bệnh mãn tính khác vì họ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Tóm lại, “khẩu trang có tác dụng bảo vệ các bạn trong tình hình dịch bệnh đường hô hấp do virus nCoV khi các bạn sử dụng đúng cách”.

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật