Xỏ khuyên là hình thức làm đẹp ở nhiều đất nước, vùng miền khác nhau sẽ có ỹ nghĩa khác nhau. Đó có thể là văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… hay đơn giản đó chỉ là nhu cầu làm đẹp, thể hiện phong cách riêng.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh việc làm đẹp bạn cần chú ý đến độ an toàn khi xỏ khuyên. Nếu không cẩn thận sẽ mang nhiều nguy cơ dẫn đến các nhiễm trùng, dị ứng, mắc các bệnh lây qua máu hay để lại sẹo xấu sau khi xỏ. Người xỏ cũng như người thực hiện thao tác xỏ khuyên cũng cần cần tuân thủ một số yếu tố như vô trùng của dụng cụ, những vị trí nguy hiểm cần tránh.
Xỏ khuyên là gì?
Xỏ khuyên là hình thức sử dụng một dụng cụ sắc nhọn để tạo một lỗ trên người và đeo đồ trang sức vào lỗ này. Giống như xăm hình, việc đeo khuyên cũng là một cách thể hiện cá tính của bản thân. Ngoài mong muốn thể hiện bản thân, nhiều người còn đeo khuyên vì lý do tôn giáo, thẩm mỹ và tình dục.
Ảnh minh họa |
Một số hình thức xỏ khuyên như: Xỏ lỗ tai, xỏ khuyên mặt và miệng, xỏ khuyên môi , xỏ khuyên ở phần trên của cơ thể, xỏ khuyên rốn , xỏ khuyên bộ phận sinh dục
Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng
Theo nguồn tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, vì cơ thể con người thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh khác nhau, ngay trên bề mặt da cũng đã tồn tại một hệ sinh thái nguyên sinh vô cùng phong phú. Ở những người khỏe mạnh, nhờ các cơ chế tự bảo vệ của da và niêm mạc (tiêu hóa, hô hấp…) mà chúng ta tránh được sự tấn công của những mầm bệnh này.
Ảnh minh họa |
Khi hàng rào bảo vệ này nếu bị rách, đứt, đâm thủng…sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Chính vì thế, nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ hàng đầu khi thực hiện xỏ khuyên. Đáng chú ý, một số bộ phận xỏ khuyên như miệng, lưỡi còn tồn tại nguy cơ nhiễm trùng cao hơn khi mức độ tiếp xúc với các chủng vi khuẩn gây hại là vô cùng lớn. Vết thương tạo ra trong quá trình xỏ khuyên có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn vào máu hay các cơ quan khác, gây viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm trùng toàn thân.
Một số người sử dụng các loại vật sắc nhọn như kim khâu, gai bưởi, gai chanh… để xỏ khuyên cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với viêc thực hiện xỏ khuyên theo đúng chuyên môn, kỹ thuật. Vấn đề vệ sinh sau xỏ khuyên cũng cần được chú trọng để đảm bảo tránh nhiễm trùng, hạn chế viêm nhiễm, giúp mau lành sẹo và tránh để lại sẹo xấu.
Dễ lây lan các bệnh qua đường máu
Không chỉ mang tiềm ẩn nhiễm trùng cho cơ thể, trường hợp dụng cụ xuyên, xỏ không đảm bảo vệ sinh và thiếu chuyên nghiệp sẽ có nguy cơ truyền nhiễm các bệnh lý qua đường máu như viêm gan B, C… thậm chí là HIV đối với người được xỏ khuyên.
Ảnh minh họa |
Những trường hợp không nên xỏ khuyên:
- Người có tiền căn sẹo xấu, cơ địa dị ứng da, có các bệnh lý gây chảy máu, chậm lành thương.
- Vùng xỏ khuyên đang bị viêm da hoặc nhiễm trùng.
Để đảm bảo việc xỏ khuyên an toàn và đẹp, cần chú ý các điều sau: Xỏ khuyên ở cơ sở làm đẹp an toàn, được thực hiện bởi nhân viên y tế đã đào tạo; Chú ý các triệu chứng tại chỗ sau khi xỏ như sưng, đỏ, đau,chảy dịch, sẹo xấu. Nên thăm khám bác sĩ ngay khi có các vấn đề trên.
- Chăm sóc tại chỗ đúng cách: Giữ khô sạch vùng xỏ, hạn chế dính nước.
- Chọn loại khuyên đeo phù hợp (vật liệu, hình dạng), nếu có phản ứng tại chỗ (đỏ, đau, sưng,..) cần tháo khuyên ngay và tìm gặp bác sĩ sớm.
- Không nên đeo khuyên thường xuyên, đặc biệt là các loại khuyên kim loại nặng, có kích thước lớn để tránh tình trạng rộng lỗ khuyên tai.
- Sau khi xỏ khuyên, khách hàng cần gặp bác sĩ để thăm khám khi vùng xỏ có các dấu hiệu bất thường sau: Viêm nhiễm vùng xỏ khuyên: sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch…; Xuất hiện sẹo lồi; Rộng, rách lỗ khuyên sau khi đeo các loại khuyên từ vật liệu nặng trong thời gian dài.
Để xỏ khuyên an toàn, bạn hãy chọn địa chỉ uy tín, sạch sẽ, thợ có đeo bao tay khi thực hiện quy trình và thay mới dụng cụ chuyên dụng cho mỗi khách. Bạn lưu ý không nên tự thực hành tại nhà cách làm đẹp này để tránh rủi ro.
(Tổng hợp)