Mớm cơm cho trẻ
Thông tin bé M.N (6 tuổi) bị nhiễm vi khuẩn H.P gây viêm loét dạ dày, do thói quen nhai cơm, mớm cơm cho bé của bà nội đang được chia sẻ rộng rãi trên MXH.
Bác sỹ Tô Quang Huy chia sẻ: "Đứa bé 6 tuổi, năm 2 tuổi bố mẹ đi làm xa ở nhà với bà nội. Hằng ngày vào những bữa ăn, bà đều nhai cơm và mớm cho bé. Một năm sau, bé đó bắt đầu nôn khan, người càng ngày càng gầy, xanh đi. Và gần đây nhất, thấy bé nôn nhiều quá, đi ngoài phân đen". Kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu bé bị xung huyết, viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và dương tính với khuẩn HP.
Ành minh họa. Nguồn: yeah1.com |
Đây là lời cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ khi duy trì thói quen mớm cơm cho trẻ.
Ngoài thói quen mớm cơm, còn có nhiều thói quen khác của người lớn, vô tình gây bệnh cho trẻ như:
Thói quen "hôn hít" trẻ
Rất nhiều người Việt có thói quen cưng nựng trẻ nhỏ khi mới gặp mặt bằng cách hôn hít trẻ. Cũng như thói quen mớm cơm cho trẻ, hôn cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, xét về mặt lý thuyết, tất cả những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn.
Nguồn: eva.vn |
Bệnh lây qua tiếp xúc, phổ biến là virus Herpes, chúng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zonar, thậm chí viêm não do herpes.
Tuy vậy, BS Cấp cho biết, trên thực tế có rất ít trường hợp lây bệnh được xác định chắc chắn truyền qua nụ hôn, nên có thể coi đây là con đường lây truyền thứ yếu đối với những bệnh lý kể trên.
Dù vậy, khi người lớn đang mắc các bệnh hô hấp, cúm, tay chân miệng... cần tránh tiếp xúc với trẻ.
Lấy ráy tai quá sạch
Thực ra, một số chất trong tai ngăn cản vi khuẩn xâm nhập. Việc lấy quá sạch sẽ có hai vấn đề là gây xước da ống tai ngoài và tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập, từ đó dẫn tới tình trạng viêm tai ngoài. Đó là lý do nhiều bé không có nước vào tai mà vẫn viêm tai ngoài.
Nguồn: hellobacsi.com |
Do vậy, nên hạn chế lấy ráy tai bé quá sạch sẽ và lấy bằng vật cứng, chỉ nên lấy nhẹ nhàng và ở vùng ngoài. Theo cơ chế ráy tự đẩy ra, người lớn không nên quá chú trọng vào việc này.
Rửa mũi bằng xi lanh
Việc các mẹ tự rửa mũi cho con bằng dụng cụ xilanh rất nguy hiểm. Việc rửa - hút mũi không phải theo kiểu thô bạo này. Chất nhầy trên mũi rất có giá trị ngăn ngừa vi khuẩn. Nếu bơm như vậy, chúng ta gần như đẩy hết nó đi, lần sau tế bào tuyến nhầy tiết ra chất loãng hơn nhiều hoặc không kịp tiết, bé càng bị viêm mũi hơn.
Nguồn: dantri.com.vn |
Bạn có thể hút dịch mũi nhưng không nên làm mất lớp nhầy đó. Chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý, khoảng 3-5 phút sau dùng dụng cụ hút ra cho bé là được.
Lạm dụng nước rửa tay khô
Đây là một trong những thói quen xấu trong khi nhiều người lại nghĩ rằng nó an toàn và tiện lợi. Việc sử dụng các loại gel rửa tay khô và khăn lau kháng khuẩn làm cho các cơ chế phòng thủ của cơ thể và da chúng ta yếu hơn. Từ đó góp phần làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể.
Triclosan, một chất có mặt trong sản phẩm khử trùng tay, làm tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn với nhiều loại kháng sinh và có thể là một yếu tố cơ hội trong sự hình thành nên loại siêu vi khuẩn.
Nên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn với nước. Nguồn: benhvienvanhanh.com |
Bên cạnh đó, những loại gel này không chỉ tiêu diệt vi khuẩn xấu – chúng còn tiêu diệt tất cả các lợi khuẩn có trên tay, do đó, càng khiến cho cơ chế bảo vệ của cơ thể trở nên yếu hơn. Đã có trường hợp những sản phẩm này gây ảnh hưởng xấu tức thì đến trẻ em: chúng gây nên tình trạng kích ứng da và ngộ độc. Vì vậy, thay vào đó, cha mẹ nên dạy trẻ cách rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sẽ tốt hơn.