Nghiên cứu tiết lộ loại thịt làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ đã tiến hành phân tích dữ liệu sức khỏe của 216.695 người trưởng thành. Trong suốt thời gian 36 năm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu người tham gia điền vào bảng câu hỏi về tần suất ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cứ sau mỗi 2-4 năm.
Trong thời gian đó, hơn 22.000 người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêu thụ thịt đỏ, bao gồm cả thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến, có mối liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều thịt đỏ nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 62% so với những người ăn ít thịt đỏ nhất.
Những người ăn 1 phần thịt đỏ chế biến sẵn chẳng hạn như một chiếc bánh mì kẹp thịt hay bánh mì kẹp xúc xích có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn 46%.
Những người ăn 1 phần thịt đỏ chưa có qua chế biến mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn 24%.
Nghiên cứu này cũng bổ sung bằng chứng chứng minh việc tiêu thụ thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch và giờ là tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra rằng việc thay thế thịt đỏ bằng các nguồn protein thực vật lành mạnh khác chẳng hạn như rau củ và các loại hạt ngược lại có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Walter Willett và tiến sĩ Xiao Gu, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ cho biết: “Phát hiện của chúng tôi ủng hộ các khuyến nghị về chế độ ăn uống hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn”.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có mối liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 (Ảnh minh họa) |
Tiểu đường gây ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào?
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là nhóm bệnh lý nội khoa phổ biến, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc không sử dụng hiệu quả lượng hormone insulin trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
Tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, cắt cụt chi, đột quỵ và các biến chứng tim mạch khác.
Bệnh đái tháo đường là một trong bốn bệnh không lây nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Trước đây, nhiều người cho rằng bệnh tiểu đường chỉ gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường loại 1 chủ yếu là do di truyền. Còn đối với tiểu đường loại 2, các yếu tố như lối sống và chế độ ăn kém lành mạnh gây thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tiểu đường có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời (Ảnh minh họa) |
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) các dấu hiệu cảnh báo tiểu đường cần chú ý bao gồm:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm.
- Cảm giác khát nước liên tục.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi quá mức.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Vết thương lâu lành.
- Tầm nhìn mờ.
Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu kể trên trong thời gian dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời (nếu có) và tránh được các biến chứng nặng của bệnh.