Theo Reuters, một nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Australia đứng đầu phát hiện các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, hoặc không triệu chứng vẫn có kháng thể chống nCoV sau một năm, nhưng không bảo vệ được họ trước các biến chủng mới.
Nhóm tác giả theo dõi 43 người Australia mắc bệnh Covid-19 không triệu chứng, thể nhẹ vào đầu năm 2020. Sau 12 tháng, 90% bệnh nhân vẫn có kháng thể chống lại nCoV nhưng rất yếu, chỉ 51,2% F0 có kháng thể vô hiệu hóa được chủng nCoV gốc. Chỉ 44,2% F0 có kháng thể chống được biến chủng Alpha.
Trong khi đó, với biến chủng đang chiếm ưu thế Delta, hiệu quả bảo vệ của các kháng thể chỉ còn lại 16,2%.
Các tế bào T đặc hiệu của protein S ở bệnh nhân vẫn duy trì và phản ứng mạnh sau 12 tháng nhưng trước các biến chủng mới, khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện, tử vong bị ảnh hưởng.
Dữ liệu nói trên đồng nhất với nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Đại học King's College London, Anh, thực hiện và công bố trên tạp chí Nature Microbiology ngày 29/10.
Nghiên cứu phát hiện hầu hết bệnh nhân đều duy trì mức độ kháng thể chống lại nCoV sau 10 tháng họ nhiễm bệnh mặc dù chúng có xu hướng giảm.
Trước đó, một nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Thụy Điển và Italy cũng kết luận các kháng thể chống nCoV tồn tại được tối đa 15 tháng ở cơ thể người mắc Covid-19 và suy giảm nhanh trước biến chủng Delta, Alpha.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia tại Nhật Bản lại công bố nghiên cứu cho thấy sau một năm, F0 khỏi Covid-19 vẫn có kháng thể chống lại nCoV. Đặc biệt, các kháng thể có tác dụng cả với biến chủng Delta và Alpha. Chúng cũng mạnh hơn nhiều lần sau khi họ được tiêm vaccine.