“Ngón chân Covid-19”
Tại Mỹ, trước khi dịch bùng phát, bác sĩ da liễu Lindy Fox, Đại học California, San Francisco đã khám cho 4 - 5 người bị viêm, đau mạch máu, tổn thương đỏ, tím tại các đầu ngón chân. Đây là hiện tượng chilblain, thường xuất hiện vào mùa đông và cũng khá hiếm.
Đặc biệt những người này bị cước, đỏ chân với cảm giác bỏng rát giữa mùa thu - thời điểm thời tiết không quá lạnh giá hoặc ẩm ướt.
|
Tiến sĩ Esther Freeman, Trưởng khoa Da liễu sức khỏe toàn cầu, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự.
Những ngón chân có màu đỏ, tím, sưng tấy, kèm theo cảm giác bỏng rát và ngứa là điều mà nhiều bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 gặp phải thường tập trung ở ngón chân, thậm chí lan ra cả hai bàn chân.
Theo New York Times, một số tài liệu y tế từ Tây Ban Nha, Bỉ và Italy rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên gặp phải trường hợp này. Tuy nhiên tổn thương dạng này không quá nặng, báo hiệu cơ thể đã nhận ra SARS-CoV-2 và đang tạo phản ứng miễn dịch tốt để chống lại nó. Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho điều này, giả thuyết được đặt ra là đây là cách thể hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể, cảnh báo chúng ta đang bị virus xâm nhập, tấn công. Một giả thuyết khác cho rằng nguyên nhân là do thành mạch máu bị viêm hoặc các cục máu đông nhỏ trong máu.
Sợ ánh sáng và nhiễm trùng mắt nặng
Tháng 8/2020, nhóm chuyên gia của Đại học Anglia Ruskin, Anh, công bố nghiên cứu về các ảnh hưởng của Covid-19 tới mắt trên tạp chí BMJ Open Ophthalmology. Có 18% những người được khảo sát bị đau mắt.
Tiến sĩ, bác sĩ Chris Steele, cố vấn y khoa của chương trình This Morning của ITV (Anh) cảnh báo về hiện tượng nhiều người nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 sợ ánh sáng, mỗi khi tiếp xúc ánh sáng rực rỡ, họ đều bị đau đầu. Ông cho rằng đây có thể là do virus gây viêm khắp cơ thể, tác động đến mắt, khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn.
|
Tháng 2/2020, khoa Nhãn của Trung tâm Y tế Northwell Health, New York, Mỹ, ghi nhận 3 người nhiễm SARS-CoV-2 (độ tuổi trên 60) bị viêm giác mạc, một trong số đã tử vong, 2 ca còn lại đều bị nặng và còn mất thị lực.
Lưỡi lốm đốm, có màng trắng
CBN News dẫn một nghiên cứu công bố trên tạp chí British Journal of Dermatology trên 666 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Tây Ban Nha. Nhóm tác giả nhận thấy 10% (78 người) trong số đó có những triệu chứng ở khoang miệng, lưỡi, bàn tay và bàn chân. Cụ thể, 11% bị viêm các nốt nhỏ trên bề mặt lưỡi. 6% bị sưng, viêm lưỡi với các vết lõm ở cạnh bên. 6% bị loét miệng. 4% trường hợp bị loang lổ, lốm đốm trên lưỡi. 4% khác bị sưng mô trong miệng. Họ gọi tình trạng lưỡi co thắt, đổi màu và có đốm trắng này là “lưỡi Covid-19”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng CoV không trực tiếp gây tổn thương trên miệng như các cơ quan khác ở hệ hô hấp nhưng tấn công hệ miễn dịch và khiến khoang miệng dễ bị các virus khác như herpes labialis hoặc herpes simplex loại một tấn công, gây bệnh.
Nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn và ảo giác
Nghiên cứu công bố ở tạp chí JAMA Neurology (dựa trên 214 bệnh nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc) cho thấy hơn 36% người mắc Covid-19 phải trải qua triệu chứng thần kinh.
Nghiên cứu khác được công bố trên Annals of Clinical and Translational Neurology cho thấy các biểu hiện thần kinh - đau đầu, chóng mặt, lú lẫn xuất hiện trên 42% người mới nhiễm SARS-CoV-2. Trong thời gian mắc bệnh, 82% trường hợp gặp tình trạng về thần kinh bất cứ khi nào.
Cũng có nhiều bệnh nhân Covid-19 gặp phải tình trạng ảo giác từ nhẹ đến nặng, dù họ không có tiền sử về các vấn đề này. Một số khác gặp ảo giác đi kèm với nhiều bệnh lý hiểm nghèo khác hoặc do thời gian nằm viện dài. Một số người mắc Covid-19 khác gặp vấn đề về nhìn, nói. Các bác sĩ đặt giả thuyết điều này có thể xuất phát từ lượng oxy đi đến não thấp trong thời gian dài hoặc virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào não.
Mất thính lực
Theo báo cáo trên tạp chí JAMA Otolaryngology - Head and Neck Surgery, virus SARS-CoV-2 từng được tìm thấy trong tai giữa của một số bệnh nhân mắc Covid-19. Phó giáo sư, tiến sĩ Matthew Stewart, Đại học Johns Hopkins, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết thông thường bệnh nhân gặp phải tình trạng ù, viêm tai.
Ông suy đoán giả thuyết là do virus gây nhiễm trùng trong tai. Tuy nhiên hiện nay chưa có đủ cơ sở để chỉ ra nguyên nhân thực sự khiến nhiều người mắc Covid-19 bị ảnh hưởng khả năng nghe và gặp các vấn đề về tai. Bởi nếu ốm nặng, bệnh nhân cũng có thể mất thính lực.