Quần vợt (tennis) trở thành bộ môn chuyên nghiệp phổ biến nhất và được đông đảo người chơi thể thao không chuyên ưa chuộng trong khoảng 2-3 năm gần đây.
Đại dịch COVID-19 đã khiến tennis trở thành môn thể thao phổ biến nhất trong các đợt giãn cách xã hội hồi năm 2020. Từ đó, vấn đề lựa chọn trang phục khi thi đấu cũng trở thành mục tiêu tìm kiếm hàng đầu trên Internet.
Theo Depop (ứng dụng mua bán, trao đổi quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng), lượt tìm kiếm đối với “áo polo tennis” đã tăng 218% trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Bảy năm 2022.
Thời trang quần vợt được nhiều người ưa chuộng. (Nguồn: Nylon) |
Từ khóa “áo tennis” cũng đạt đỉnh tìm kiếm vào tháng Bảy, tăng 157% kể từ đầu năm 2022. Mối quan tâm đến các thương hiệu lâu đời như Lacoste, Ralph Lauren và Wilson đã tăng vọt chỉ trong tháng Tám.
Lịch sử phát triển của thời trang quần vợt
Lịch sử đã bắt ghi nhận sự phát triển của thời trang quần vợt (còn gọi là Tenniscore) kể từ những năm 50, đi kèm với sự nổi tiếng của môn thể thao này trong suốt 7 thập kỷ qua.
Ý niệm về Tenniscore xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1950, khi nhà vô địch quần vợt đồng thời cũng là nhà thiết kế thời trang - Ted Tinling - trình làng kiểu chân váy chữ A màu trắng dành cho các vận động viên huyền thoại như Billie Jean King và Virginia Wade.
Giai đoạn sau đó, mỗi khi các siêu sao như Arthur Ashe, Andre Agassi và Martina Hingis đem những thiết kế mới lên sân đấu, các thương hiệu lớn sẽ lập tức cập nhật bộ sưu tập nhằm đáp ứng nhu cầu của giới mộ điệu.
Arthur Ashe là một trong những thương hiệu tiêu biểu vừa thành công tôn vinh di sản quá khứ, vừa khiến quần vợt gần gũi hơn với công chúng đương đại. Hai nhà đồng sáng lập đã phát triển thương hiệu gắn với câu chuyện của cố huyền thoại quần vợt suốt những năm 60-70 đỉnh cao sự nghiệp.
[Đón Hè sôi động với loạt sự kiện khuyến mãi thời trang thể thao]
Từ những mảng màu táo bạo, phá vỡ các quy tắc trang phục thi đấu, cho đến việc là vận động viên da màu đầu tiên giành chức vô địch US Open, hay giải quần vợt Wimbledon trong môn thể thao có chủ yếu các tay vợt là người da trắng,... Arthur Ashe đã trở thành biểu tượng bất hủ về nỗi trăn trở thoát ly định kiến, khuôn mẫu và là nguồn cảm hứng cho cuộc cách mạng thời trang quần vợt thời ấy.
Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 80-90, Tenniscore mới đạt đến đỉnh cao của sự phát triển, đặc biệt khi công nương Diana diện chân váy tennis phối với áo khoác cardigan dệt kim. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như Nike Court, Le Coq Sportif, Adidas, Fila…
Đến nay, giới mộ điệu đang chứng kiến quần vợt dần tiệm cận thời trang cao cấp, như động thái tiếp quản Câu lạc bộ Tennis West Side của nhà mốt Miu Miu.
Hay dòng sản phẩm mới gồm 21 sản phẩm do Brandon Maxwell của Fila tạo nên và ra mắt vào thời điểm diễn ra Giải vô địch US Open cũng như Tuần lễ Thời trang New York, thu hút cả người yêu thể thao lẫn khán giả thời trang.
Thời trang quần vợt trở thành một lối sống
Ngoài đề cao tính truyền thống và đẳng cấp, các thương hiệu đang cố gắng làm cho Tenniscore trở nên phổ biến hơn với đại chúng, tác động tích cực đến tương lai của phong cách thời trang này.
Vi dụ, thương hiệu Palmes Society mô tả các sản phẩm của mình là “quần áo nam có nguồn gốc từ văn hóa quần vợt để mặc trong và ngoài sân đấu."
Hãng coi thời trang quần vợt là một phong cách sống thay vì trang phục thể thao đơn thuần. Người sáng lập Nikolaj Hansson cho biết: “Chúng tôi muốn phá bỏ những rào cản đang ngăn cản mọi người khám phá môn thể thao này.”
Các thương hiệu khác như The Courts, Jupp Sport và Tennis Grip cũng đang góp phần tạo nên tư tưởng mới trong thế giới quần vợt. Họ tập trung vào khía cạnh lối sống và xây dựng một cộng đồng giúp quần vợt trở nên dễ tiếp cận hơn.
Thương hiệu mang tính thuần thể thao như Lacoste đã có màn hợp tác với A.P.C. và Awake NY để pha trộn trang phục tennis truyền thống với thời trang đường phố hiện đại.
Thương hiệu quần áo thể thao Wilson đã cho ra mắt sản phẩm đánh dấu lần hợp tác thứ hai với Kith, tăng thêm tính ứng dụng cho trang phục tennis truyền thống.
"Tuy trước đây không quan tâm đến tennis nhưng các thương hiệu thời trang nhanh lẫn nhãn hàng xa xỉ hiện đang dần thích ứng với văn hóa mà bộ môn này tạo ra. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội cũng như các clip sáng tạo nội dung, mức độ phổ biến của trang phục tennis đã tạo ra xu hướng mới mà chúng ta không thể đứng ngoài," Jason Kim, SVP phụ trách marketing của Lacoste khu vực Bắc Mỹ chia sẻ.
Thể thao và thời trang ngày càng cho thấy mối quan hệ mật thiết với nhau. Tenniscore chứng minh không cần phải là vận động viên chuyên nghiệp, người mặc vẫn có thể lan tỏa nét đẹp khỏe khoắn, năng động qua trang phục lấy cảm hứng từ môn thể thao quần vợt./.