• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa hè

Với thời tiết mùa hè ngày càng nắng nóng, mùa mưa độ ẩm tăng cao, hàng loạt bệnh truyền...

Mùa hè thời điểm nắng nóng gay gắt và cũng là mùa mưa, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho hàng loạt bệnh truyền nhiễm bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết... tăng cao, đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh bạch hầu

Đến chiều 8-7, toàn vùng Tây Nguyên đã có 67 người dương tính với bệnh bạch hầu. Có hơn 10 ổ dịch ở các khu dân cư người dân tộc thiểu số.

Trong đó tỉnh Đắk Nông đã có 8 ổ dịch tại 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk R’lấp với tổng số 28 người dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 2 người tử vong (đều ở huyện Đắk Glong). Ngòai ra còn có tỉnh Gia Lai đã ghi 16 ca dương tính, 1 ca tử vong do bạch hầu.  Tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 23 ca dương tính với bạch hầu. 

 Những dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa hè

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở giả mạc tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh có thể gây tình trạng vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể gây tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.

Khi nhiễm bạch hầu, độc tốc bám vào cơ quan đích như tim (gây tổn thương cơ tim không phục hồi, viêm cơ tim…), thận (suy thận, trường hợp nặng có thể phải lọc máu, chạy thận), thần kinh (liệt dây thần kinh ngoại biên, liệt cơ hô hấp, tổn thương dây thần kinh sọ…).

Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, gián tiếp qua đồ vật có dính dịch tiết của người bệnh.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh Bạch hầu là biện pháp được cho thấy rất hiệu quả trong phòng bệnh. Ngoài ra còn cần áp dụng các cách phòng chống bệnh bạch hầu như sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.

- Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.

- Che miệng khi hắt hơi, ho.

- Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm.

- Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm cần phải cách ly, điều trị kịp thời.

2. Bệnh tay chân miệng

Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận nhiều nhiều trường hợp trẻ nhỏ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cấp độ 2. Theo đó, trong 3 tuần vừa qua, Bệnh viện E đã tiếp nhận 10 - 15 trường hợp tới khám vì tay chân miệng. 

Bệnh tay chân miệng do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh tay chân miệng trẻ em có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng.

 Những dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa hè

Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Tuy nhiên để phòng bệnh, đặc biệt là giai đoạn mùa hè dễ lây nhiễm này, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn. Sau khi về nhà, người lớn nên rửa tay, thay đồ rồi mới tiếp xúc và tiến hành chăm sóc trẻ

- Theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.

- Cách ly trẻ tối đa khi mắc bệnh, không để tiếp xúc với các bạn khác, thông báo cho nhà trường và cho trẻ nghỉ học. 

- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da người bệnh.

- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.

- Bổ sung các chất nhằm tăng đề kháng như nước hoa quả, sữa chua,... Cha mẹ nên cố gắng cho trẻ ăn như hàng ngày, thậm chí ăn nhiều hơn do lúc này, trẻ cần nhiều năng lượng hơn để hồi phục nhanh chóng.

3. Bệnh sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, 12 tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng đột biến trong nhiều tuần liền. Riêng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận hơn 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết. 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm.

Những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng. Biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Ở thể bệnh nặng, bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy.

-  Ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt, dùng hương muỗi… để bắt, diệt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi.

- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.

- Để tránh muỗi đốt, phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm).

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật