Theo Bloomberg, Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus do hãng dược Merck và Ridgeback phát triển được cho là có tác dụng làm giảm tới một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với các bệnh nhân Covid-19, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất.
Dược phẩm này được quảng cáo có thể gây ức chế khả năng sao chép của virus corona, dựa theo cơ chế được gọi là "đột biến gây sát thương". Loại thuốc viên này được điều chế lần đầu tại Đại học Emory ở thành phố Atlanta (Mỹ), sau đó được phát triển dưới sự hợp tác của hai hãng dược Merck & Co và Ridgeback Biotherapeutics LP.
Tính hiệu quả
Những phân tích dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng của hãng cho thấy Molnupiravir làm giảm nguy cơ nhập viện tới 50% đối với người nhiễm virus corona.
Thử nghiệm đã so sánh kết quả từ 28 bệnh nhân nhập viện bởi Covid-19 được dùng Molnupiravir với 53 bệnh nhân khác chỉ được dùng giả dược. Qua 29 ngày theo dõi, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir, trong khi 8 trong số các bệnh nhân dùng giả dược đã tử vong.
Khác biệt với các loại thuốc trị Covid-19 khác
Thuốc Remdesivir của hãng Gilead Sciences, chỉ được sử dụng bằng cách bơm qua đường truyền tĩnh mạch của bệnh nhân. Người nhiễm Covid-19 muốn được điều trị bằng những liệu pháp trên chỉ có thể đến bệnh viện hoặc phòng khám.
Ưu điểm chính của Molnupiravir là do có dạng viên nang, nên chúng có thể được dùng cho việc điều trị người nhiễm Covid-19 ngay tại nhà.
Giá thành của Molnupiravir cũng được cho là khá rẻ: Một liệu trình điều trị sẽ chỉ có giá khoảng 700 USD, bằng 1/3 chi phí điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Cách thức sử dụng
Đối với những người trưởng thành nhiễm Covid-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình, Molnupiravir thường được sử dụng với liệu trình uống 1 viên cách nhau 12 tiếng trong khoảng 5 ngày liên tục.
Tác dụng phụ
Theo phân tích tạm thời từ thử nghiệm mới nhất của Merck, chỉ 1,3% bệnh nhân Covid-19 dùng Molnupiravir gặp phải tác dụng phụ, so với 3,4% ở nhóm bệnh nhân dùng giả dược. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo không nên sử dụng Molnupiravir, do chúng có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.
Quá trình phân phối
Merck dự kiến sẽ triển khai 10 triệu liệu trình điều trị bằng Molnupiravir vào cuối năm 2021, và sản xuất một số lượng viên uống lớn hơn vào năm 2022.
Hồi tháng 6, hãng dược này đã đồng ý ký một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD với chính phủ Mỹ. Theo đó, Merck sẽ tiến hành 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng Molnupiravir sau khi loại thuốc này được FDA chấp thuận hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, đảo Đài Loan (Trung Quốc)… cũng đang đàm phán để đặt mua trước Molnupiravir.
Khả năng thay thế vắc xin
Bloomberg cho rằng, khả năng một loại thuốc đặc trị Covid-19 có thể thay thế vắc xin là điều không thể. Tiêm phòng vẫn được coi là lá chắn hiệu quả nhất để phòng chống virus corona.
Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.