Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho rằng, phụ huynh cần tập cho con mình thói quen tốt phòng dịch khi đi học. Cha mẹ nên chọn khẩu trang phù hợp, tập cho con thích nghi với việc đeo khẩu trang.
Nếu con bị cảm, ho, sổ mũi mức độ nhẹ thì nên đeo khẩu trang ngay cả trong các tiết học để đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn bè. Đồng thời cần trẻ tự giác rửa tay thường xuyên, súc họng, vệ sinh cá nhân, sử dụng khăn tay khi ho, hỉ mũi.
Phụ huynh nên phối hợp với thầy cô giáo nhắc nhở trẻ thường xuyên uống nước ấm, không uống quá nhiều một lúc, đừng để khát nước vì khi màng trong cổ họng của trẻ bị khô, virus dễ xâm nhập vào cơ thể.
Phụ huynh cần nhắc trẻ không ăn hàng rong, không dùng chung đồ với bạn, cùng rửa tay với bạn để giảm thiểu tối đa nguồn lây bệnh.
Đối với trẻ còn nhỏ, người chăm trẻ cần hạn chế đến nơi có yếu tố dịch tễ. Khi trẻ bị sốt nên theo dõi tại nhà, làm đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu sốt quá 3 ngày, có triệu chứng thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Nếu trẻ bị sốt cao, ho kéo dài sau khi sốt, đau đầu, mệt, khó thở, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và cần bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Việt khuyến cáo, trẻ nhiễm Covid-19 cũng có các dấu hiệu như người lớn bao gồm sốt, ho, sổ mũi, đau ngực, khó thở, ngoài ra còn có thể có thêm ói mửa, tiêu chảy... Để phát hiện thì khó hơn so với người lớn, vì vậy nên chia theo độ tuổi, nhóm tuổi.
Ở nhóm tuổi rất nhỏ và nhỏ, nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ, gia đình phải kiểm tra ngay những người xung quanh xem có từng tiếp xúc với người bệnh, nghi bệnh hay vừa đi về từ vùng dịch hay không.
Ở nhóm nhóm lớn, khi bị nóng, sốt, ngoài việc đưa đi bệnh viện khám, sàng lọc, người thân nên thông báo cho gia đình hàng xóm xung quanh, nhất là gia đình có trẻ con đồng trang lứa để tránh các bé vô tình lây cho nhau trong lúc chơi chung. Tất cả trẻ mắc bệnh hay nghi nhiễm cũng phải có người lớn theo chăm sóc, nên người chăm sóc cũng có nguy cơ.
Theo bác sĩ Việt dù cách điều trị Covid-19 ở trẻ và người lớn như nhau nhưng trong hầu hết trẻ khỏe mạnh đang trong giai đoạn phát triển, sức đề kháng cũng như các cơ quan có khả năng “chiến đấu” với Covid-19 cao hơn người lớn. Trẻ nhỏ hay mắc các bệnh về hô hấp, nên hệ miễn dịch dần dần thích nghi, tạo ra các kháng thể chống lại bệnh, một phần nhỏ có thể kháng lại virus này
Theo nghiên cứu của một số quốc gia, trẻ mắc Covid-19 vẫn có một số ít bị tình trạng suy tạng dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, còn lại hầu hết nhẹ, đơn giản, không để lại biến chứng. Người lớn cần chủ động phòng ngừa cho trẻ, hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người hay địa phương có yếu tố dịch tễ. Trong trường hợp bắt buộc phải đến, khi về nên khai báo y tế, tuân thủ hướng dẫn cách ly, phòng ngừa cho bản thân và gia đình.