Theo TS.BS Nguyễn Đình Tỉnh - giảng viên bộ môn nhi, khoa y học lâm sàng, Trường đại học Y tế công cộng sốt là triệu chứng rất thường gặp, không chỉ đối với các bệnh nhi mắc COVID-19 mà trẻ bình thường mọc răng, tiêm phòng cũng có biểu hiện sốt nhưng khi trẻ bị sốt và gắn thêm chữ COVID-19 thì bố mẹ thường lo lắng hơn.
Khi trẻ mắc COVID-19 triệu chứng sốt xuất hiện nhiều nhất. Trường hợp sốt nhẹ sẽ khỏi trong 1-2 ngày, nhưng cũng có trường hợp sốt liên tục trong 3-5 ngày.
Ông lưu ý, khi trẻ bị sốt do virus COVID-19 gây ra thì cũng sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng khuyến cáo. Thời điểm em bé sốt cao thì ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, bố mẹ có thể pha nước ấm để chườm, lau người cho bé (trong trường hợp nhiệt độ cho phép).
Nếu trẻ ở trong phòng kín, bố mẹ có thể bỏ bớt áo cho trẻ chỉ mặc đủ ấm, không nên chườm nước ấm. Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi không nên sử dụng biện pháp chườm mà có thể bỏ bỉm cho bé.
Bố mẹ không nên quá lạm dụng thuốc hạ sốt. "Trong trường hợp em bé vẫn sốt cao liên tục trong nhiều ngày cần báo với y tế địa phương để đưa trẻ đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết", bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.
Khi trẻ sốt thì thường sẽ mệt, mất nước, mất năng lượng, bỏ ăn... bố mẹ nên chia khẩu phần ăn của con thành các bữa nhỏ, cho ăn ít một và quan sát xem con có nôn trớ hay không.
Nên ưu tiên nhóm thực phẩm giàu năng lượng, nếu ăn các loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng thì trẻ sẽ không có đủ năng lượng.
Đặc biệt với những trẻ béo phì là nhóm có nguy cơ chuyển nặng cao hơn. Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, các bé cần có chế độ vận động và tập hít thở từ sớm chứ không chờ đến lúc ho nhiều, khó thở mới tập.
Cùng với đó, bố mẹ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con, giảm lượng thức ăn nhanh, thay vào đó là rau xanh, hoa quả để trẻ có thêm lượng viatmin cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, trẻ cần được tăng cường tham gia vận động, hít thở.
Đối với các bạn nhỏ dưới 5 tuổi, thông thường chúng ta sẽ không sử dụng các biện pháp giảm cân mà tìm cách tăng chiều cao cho trẻ.
Khi trẻ có các biểu hiện thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú hoặc ăn uống, tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% cần liên hệ ngay với cơ sở y tế phường hoặc 115 để cấp cứu kịp thời.