Ngày 29/3, bé N.T.N.T (nữ, 15 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn vào cẳng tay phải. Gia đình phát hiện chỗ cẳng tay phải bé chảy máu, đã dùng lá thuốc (không rõ lá gì) đắp vào chỗ chảy máu, sau đó bé được đưa đến Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, vết thương đã được băng.
Tuy nhiên tình hình sức khỏe xấu, bé được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có nghiên cứu về loại rắn này, và được biết hiện Việt Nam chưa có kháng huyết thanh, mà chỉ điều trị triệu chứng.
Bệnh viện cũng đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng không có. Bé tử vong sau 2 ngày điều trị.
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong vòng 10 năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận 31 trường hợp bị rắn cổ đỏ tấn công và chỉ cứu được 6 người.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ trên báo Nông Nghiệp, rắn hoa cổ đỏ thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ, thậm chí cả ở cao nguyên. Nó có nhiều tên như rắn hổ lửa, rắn học trò, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm..., có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh... rất đẹp.
Thậm chí, loại rắn này cũng được các em học sinh bắt chơi nên còn có tên gọi là “rắn học trò”.
Trên thực tế, loài rắn cổ đỏ này không tự sản xuất ra nọc độc mà tích lũy nọc độc từ các loại động vật chúng ăn, như cóc độc, rết, và dùng nọc độc này phòng vệ khi bị tấn công hoặc đe dọa.
Theo bác sĩ Phương, nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi. Bác sĩ Phương cho biết đây là loại rắn rất đặc biệt, vì 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc.
Tùy theo thế cắn của rắn mà lượng độc chất bơm vào người khác nhau, có người bị rắn cổ đỏ cắn có thể không gặp triệu chứng gì, cho tới bị rối loạn đông máu, thậm chí mất mạng. con rắn bơm vào.
Rắn hoa cổ đỏ khi trưởng thành dài tới hơn 1m2, thường sống xung quanh nhà dân. Hiện chưa có huyết thanh kháng lại nọc rắn này.
Theo khuyến cáo, trong trường hợp bị loại rắn này cắn phải, nên rửa sạch vết thương và đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không garo vết thương như bị các loại rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn, và đặc biệt không đắp lá cây để tránh gây nhiễm trùng vết thương. Đồng thời, phải nhớ hình dáng loại rắn đã cắn để cung cấp thông tin cho bác sĩ.
Ngoài ra, nhiều người có sở thích uống mật rắn, rượu rắn… nhưng riêng với rắn hoa cổ đỏ, nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... do đó không được ăn hay ngâm rượu với loài rắn này.