Ba kích là cây gì?
Sau thông tin các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân nam 40 tuổi do "cậu nhỏ" cương suốt 30 giờ vì uống rượu ba kích khiến nhiều cánh mày râu rỉ tai nhau không biết ba kích có công dụng giúp cánh đàn ông trong chuyện chăn gối.
Ba kích là vị thuốc nổi tiếng, được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền với công dụng trị đau nhức xương khớp và tăng lực cho nam giới .
Cây có tên khoa học Morinda officianlis, thuộc họ cà phê Rubiaceae. Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn và mọc hoang ở ven rừng, trên đồi râm giữa các bụi bờ, bãi hoang; nhiều nhất ở Quảng Ninh, Hà Tây, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Thân non có màu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6-14cm, rộng 2,5 - 6cm, lúc non màu xanh lục, khi già màu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân.
Cây ba kích nở bông vào tháng 5 - 6, đậu trái vào tháng 7 - 10. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu, hoa nhỏ, lúc non màu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3 - 1,5cm. Trái ba kích hình cầu, khi chín màu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh.
|
Rượu ba kích. |
Theo các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số thành phần hóa học có trong ba kích như: Rubiadin: Rubiadin-1-Methylether; Gentianine; Choline; Trigonelline; Carpaine; Gitogenin; Tigogenin; Quercetin; Luteolin; vitamin B1; vitamin C; Phytosterol; acid hữu cơ. Các chất vô cơ gồm K, Na, Mg, Zn, Cu, ….Ngoài ra, trong rễ ba kích còn chứa một số thành phần như Antraglycozid, đường, nhựa và lượng nhỏ tinh dầu.
Người ta thường dùng rễ phơi hay sấy khô của cây ba kích để chữa bệnh. Rễ có thể đào quanh năm, tốt nhất vào thu đông. Đào về rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô. Khi rễ gần khô đem đập dẹt rồi lại phơi cho thật khô. Nhiều người lại đào củ tươi về nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe.
Ba kích có điều trị yếu sinh lý?
Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời trên báo Phụ nữ thì cây ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh. Ba kích cũng tốt cho phụ nữ như khó thụ thai, dương hư, kinh nguyệt không đều, tử cung lạnh. Ngoài ra, vị thuốc còn dùng chữa bệnh phong thấp, mạnh gân cốt. Người bệnh thường dùng 5-12g/kg/ngày dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng.
Qua điều trị thử nghiệm của đông y cũng ghi nhận kết quả sau: Với nam giới có hoạt động sinh dục yếu, ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với các trường hợp khả năng giao hợp yếu và thưa. Tuy không làm tăng đòi hỏi tính dục, nhưng ba kích có tác dụng tăng cường sức dẻo dai..
Ba kích không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như điều trị vô sinh cho nam giới có trạng thái vô sinh tương đối nhẹ và suy nhược thể lực.
Còn các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều, không có tinh trùng, không xuất tinh khi giao hợp, sử dụng ba kích chưa thấy kết quả.
Với người cao tuổi, bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn mất ngủ, người gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý gây nên thì vẫn có thể dùng ba kích. Điều này giúp tăng lực rõ rệt thể hiện qua những cảm giác chủ quan như đỡ mệt mỏi, ngủ ngon, ăn ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân, tăng cơ lực.
Còn đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp, sau khi dùng ba kích dài ngày các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt. Nước sắc ba kích có tác dụng làm tăng sự co bóp của ruột, cơ trơn và giảm huyết áp.
Trong Đông y, ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Dùng chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau. Nhưng người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón cấm dùng.
Trường hợp nạn nhân uống rượu ba kích “cậu nhỏ “ cương dương suốt 30 giờ phải nhập viện cấp cứu... có thể do ba kích đã ngâm tẩm với tân dược cường dương, hoặc uống rượu ba kích kèm với uống thuốc tân dược cường dương. Hoặc uống rượu ba kích với sử dụng thuốc bôi hoặc xịt để tăng tác dụng cường dương. Vì từ trước tới nay, khoa học đông y chưa ghi nhận bản thân ba kích gây tác dụng dữ dội như vây.
(Tổng hợp)