• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau Covid, chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh nào?

Khi Covid-19 chưa kết thúc thì dịch bệnh khác xuất hiện như viêm gan bí ẩn đậu mùa khỉ... và...

Sốt xuất huyết

Theo thống kê của WHO tới ngày 27/4 cả nước có 18.599 ca sốt xuất huyết và có 11 trường hợp tử vong.

Tính tới trưa ngày 12/5, TP.HCM đã có 7.129 ca sốt xuất huyết (tăng 10.77% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó số ca nặng là 158 ca (tăng gấp 5 so với thời điểm cùng kỳ)

ThS.BS Nguyễn Đình Quy - Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2022, bệnh viện đã tiếp nhận 2.006 lượt khám sốt xuất huyết, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 154 ca nặng cần cấp cứu chiếm 17% số ca nhập viện. Tới nay số ca nhập viện và trở nặng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau Covid, chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh nào?

Tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM cho thấy, trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Hiện nay, nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp là từ 8 -13 tuổi. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 ca bệnh mắc sốt xuất huyết. 

Tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong thời gian vừa qua đã ghi nhận 628 ca tay chân miệng trong tuần qua, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước.

Tính riêng 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ nặng ghi nhận huyết áp rất cao kèm theo biến chứng nguy hiểm khác như viêm màng não, suy hô hấp. Dấu hiệu khởi phát bệnh mờ nhạt, đo nhiệt kế thì thân nhiệt ổn định nên nhiều phụ huynh lơ là. 

Theo Bộ Y tế hàng năm, vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, bước vào mùa mưa, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... nên dịch bệnh dễ phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền...

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hoạt động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết, viêm não... và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bản.

Viêm gan bí ẩn

Từ thời điểm 5/4, khi Anh thông báo những ca đầu tiên, căn bệnh nhanh chóng lây lan khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á (bao gồm Đông Nam Á), Trung Đông. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến ngày 13/5, thế giới đã ghi nhận 450 ca mắc viêm gan bí ẩn tại ít nhất 25 quốc gia. Có ít nhất 12 trẻ đã tử vong và hàng chục ca phải ghép gan. Mỹ đã ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc hoặc nghi mắc tại 26 bang và Puerto Rico. 

Ngày 2/5, Bộ Y tế Indonesia cho biết 3 bệnh nhi đã nhập viện và qua đời ở thủ đô Jakata, nâng tổng số ca tử vong toàn cầu liên quan đến viêm gan cấp tính do virus bí ẩn lên 4 ca.

Trước Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore cũng ghi nhận 1 ca viêm gan cấp tính ở bệnh nhi mới 10 tháng tuổi. Bệnh nhi từng mắc COVID-19 hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, tới nay, không có bằng chứng cho thấy bệnh viêm gan cấp tính có liên quan đến COVID-19. 

Tiến sĩ Jay Butler, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết những ca bệnh sớm nhất mà nước này ghi nhận là vào tháng 10/2021.

Sau Covid, chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh nào?

Bệnh nhi đều dương tính với virus adeno - loại phổ biến thường gây các triệu chứng giống cảm cúm, cảm lạnh nhẹ hoặc vấn đề dạ dày, ruột. 

Chỉ đến khi làn sóng viêm gan bắt đầu gây chú ý tại Mỹ và các nước khác, hồ sơ bệnh án của em bé này mới được chú ý. Theo ông Jay, những đứa trẻ mắc bệnh đều khỏe mạnh và không có bệnh lý tiềm ẩn trước đó. 

Ngày 11/5, CDC cũng đưa ra ban hành trong đó liệt kê các dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm gan bí ẩn gồm: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, phân màu sáng, đau khớp, vàng da.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến của viêm gan là thuốc, virus hoặc tiếp xúc một số hóa chất. Khi gan bị tổn thương, nó sẽ mất khả năng loại bỏ một số chất độc hại ra khỏi máu, bao gồm bilirubin. Tích tụ quá nhiều chất này gây vàng da, vàng mắt. Ngoài ra, triệu chứng nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu cũng là do dư thừa bilirubin.

Theo tài liệu của Đại học Stanford, adeno là nhóm virus phổ biến, có thể gây ra nhiều bệnh như cảm lạnh thông thường hoặc triệu chứng giống cúm, sốt, viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột cấp tính, có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng.

Việt Nam chưa ghi nhận chính thức ca bệnh nào. Tuy nhiên, để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới.

Đồng thời các đơn vị cần thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng chống bệnh viêm gan virus, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn viện phụ trách.

Đậu mùa khỉ

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ...

Sau Covid, chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh nào?

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi họp khẩn để thảo luận về sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây, sau khi xuất hiện hơn 100 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm ở châu Âu, hãng tin Reuters cho hay.

Đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm virus hiếm gặp. Virus đậu mùa có hai chủng chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.

Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958. Tên bệnh được đặt xuất phát từ thực tế là hai đợt bùng phát một căn bệnh như bệnh đậu mùa xảy ra trên những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu.

Bệnh có biểu hiện tương tự như bệnh đậu mùa, và thường có triệu chứng nhẹ như sốt, đau cơ, sưng mặt và toàn thân. Các nốt mụn nước xuất hiện trên da trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, đi kèm các triệu chứng như đau nhức cơ, nhức đầu và cảm lạnh. Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới dự đoán sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định o việc giám sát mở rộng ở các nước không có dịch bệnh. Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Chính phủ Anh, Mỹ đã đặt hàng dự trữ bổ sung hàng nghìn lô vắc xin đậu mùa.

Tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó. 

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật