Ngày 25-7, một lãnh đạo của UBND xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau xác nhận 3 người phụ nữ trên địa bàn vừa tử vong sau 2 ngày nhậu liên tiếp.
Theo xác minh ban đầu của chính quyền địa phương, từ ngày 20-7, có sáu phụ nữ tổ chức nhậu cùng nhau tại nhà bà M, 54 tuổi ở địa phương. Cuộc nhậu kéo dài nhiều giờ và sang ngày hôm sau lại nhậu tiếp, từ 9 giờ đến khoảng 13 giờ, khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Tối 22-7, cả 3 người phụ nữ nêu trên có biểu hiện nôn ói, khó thở… nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, bà M. đã tử vong; 2 người còn lại cũng tử vong sau đó. Riêng 3 người nhậu cùng nhóm phụ nữ trên hiện sức khỏe bình thường. Gia đình của những người này nhận định tử vong do bị ngộ độc nên đã không yêu cầu khám nghiệm tử thi.
Trước đó, tại Lâm Đồng cũng ghi nhận 2 ca ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. Theo điều tra, các nạn nhân uống rượu liên tục trong nhiều ngày.
Ảnh minh họa |
Việc uống nhiều rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần là điều mà ai cũng biết tuy nhiên không ít người rất chủ quan. Trung bình nếu mỗi ngày, một người uống 1 lít rượu và kéo dài liên tục sẽ bị rối loạn về mặt tâm thần, gồm các triệu chứng: rối loạn khí sắc, trầm cảm, lo âu, mất kiểm soát. Trong suy nghĩ, họ luôn có những hình ảnh kỳ quặc như các tiếng động lạ hay lời đe dọa của những người xung quanh, có dấu hiệu hoang tưởng, run tay, hay nổi cáu...
Trên thực tế, rượu giúp cho con người phấn chấn, vui vẻ, thoải mái trong những bữa tiệc. Tuy nhiên, dùng vượt mức quy định sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như mạch máu, gan, tiêu hóa, dạ dày và cuối cùng là rối loạn về tâm thần.
Các trường hợp uống quá nhiều rượu còn có thể bị viêm gan nhiễm độc, xơ gan. Rượu gây viêm gan và nghiện rượu có thể gây sẹo mô gan dẫn đến xơ gan, một tình trạng có khả năng gây tử vong trong đó gan bị xơ đến mức không thể hoạt động được nữa. Nguy cơ càng tăng khi bạn uống rượu trong thời gian dài. Nguy cơ gây ra viêm gan do rượu khi lượng rượu uống vào trên 30g rượu/ngày tương đương 375ml bia. Uống quá 80g rượu/ngày trong ít nhất 5 năm thì có thể gây bệnh gan.
Rượu cũng làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, từ miệng, thực quản, dạ dày,… nồng độ cồn cao gây kích ứng niêm mạc, viêm loét, chảy máu dạ dày, tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa. Rượu vào máu, được hệ tuần hoàn vận chuyển đến khắp các mô trong cơ thể làm giãn mạch, cảm giác nóng và hạ huyết áp.
Khi vào cơ thể, rượu chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất được biết đến là chất gây ung thư. Đồng thời, rượu làm suy yếu khả năng phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng của cơ thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư. Các loại ung thư thường thấy ở những người nghiện rượu nặng bao gồm miệng, hầu (họng), thanh quản, thực quản, gan, vú và đại trực tràng.
Những người nghiện rượu tăng khả năng mắc các bệnh như lao, viêm phổi, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
Những người nghiện rượu cũng thường có các bệnh lý mãn tính liên quan đến đến rối loạn trí nhớ và các triệu chứng mất ngôn ngữ... Một số bệnh lý tâm thần khác ở nghiện rượu như co giật vì rượu làm giảm ngưỡng động kinh, chứng quên thoáng qua cơn say hoặc quên hoàn toàn các sự kiện xảy ra trong cơn say. Uống rượu nặng hoặc quá chén, hoặc cai rượu đột ngột có thể dẫn đến một cơn động kinh cấp tính, là một tình trạng đe dọa tính mạng.
Những người mắc chứng trầm cảm uống nhiều rượu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống trầm cảm và dễ có ý tưởng tự sát.
Một người càng uống nhiều rượu, họ càng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp đột ngột. Uống rượu trong thời gian dài khiến bệnh tăng huyết áp trở thành mạn tính và dẫn đến các vấn đề xấu về sức khỏe.