• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao tình hình COVID-19 ở Ấn Độ lại trở nên tồi tệ nhanh chóng?

Hơn một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ấn Độ đang bị đè bẹp bởi một đợt siêu...

Sự bùng nổ chưa từng có về số ca nhiễm COVID-19 xảy ra ngay cả khi Ấn Độ đã chống chọi tương đối tốt với đại dịch cho đến thời gian gần đây. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố góp phần tạo nên "cơn bão lây nhiễm" ở Ấn Độ.

"Thả cửa" cho việc tập trung đông người

Cụ thể, sự bùng phát xảy ra sau khi chính phủ nước này cho phép tập trung đông người để tham gia các lễ hội tôn giáo Hindu và các cuộc biểu tình chính trị trước cuộc bầu cử cấp bang. Đồng thời, thái độ chủ quan với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, cũng như lơ là với sự xuất hiện của các chủng virus mới đã khiến Ấn Độ rơi vào thế bị động.

covid-an-do2.jpg
Một bệnh nhân COVID-19 thở với sự trợ giúp của bình oxy. Ảnh: Getty 

SV Subramanian, giáo sư về sức khỏe dân số và địa lý tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nói với USA Today: "Ấn Độ gần như đang phải hứng chịu một 'cơn bão lây nhiễm'".

Hôm 6/5, quốc gia này đã phá vỡ kỷ lục của chính mình về số ca mắc và tử vong do COVID-19 với 412.262 ca nhiễm mới và 3.980 ca tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, cả hai số liệu này được cho là chưa cập nhật đủ.

Cuộc khủng hoảng mới nhất hoàn toàn trái ngược với làn sóng đầu tiên của đại dịch, khi Ấn Độ ban hành một trong những lệnh cấm cửa khắc nghiệt nhất trên toàn thế giới đối với dân số 1,3 tỷ người.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cấm tất cả các chuyến du lịch trong nước và quốc tế vào cuối tháng 3/2020, đồng thời đóng cửa các nhà máy, trường học, văn phòng và tất cả các cửa hàng không phải là những nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu.

covid-an-do4.jpg
Thủ tướng Narendra Modi đã cấm đi lại trong nước và quốc tế kể từ năm 2020. Ảnh: Getty

Khi đó, số ca mắc đạt đỉnh vào khoảng tháng 9 với gần 100.000 ca nhiễm, nhưng sau đó tỷ lệ lây nhiễm chậm lại đáng kể, đạt mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng Giêng và tháng Hai.

Thủ tướng Modi cho biết, nước này đã đánh bại COVID-19 vào cuối tháng Giêng. Ông khẳng định những nỗ lực của quốc gia đã cứu "nhân loại khỏi một thảm họa lớn bằng cách kiểm soát COVID-19 một cách hiệu quả", Foreign Policy đưa tin.

"Ăn mừng quá sớm"

Tiến sĩ Shahid Jameel, một nhà virus học hàng đầu, nói với BBC: “Chính phủ không thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai đến và bắt đầu ăn mừng quá sớm".

Các chuyên gia cho biết, sau khi tuyên bố chiến thắng, mọi người đã mất cảnh giác khi đề cập đến các biện pháp sức khỏe, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Thậm chí một số bộ trưởng của chính phủ cũng phớt lờ các khuyến nghị về việc đeo khẩu trang khi tập trung đông người tại các cuộc biểu tình hay trong các chiến dịch tranh cử của mình.

Vào tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã cho phép người dân tụ tập trở lại để tham dự Kumbh Mela, một lễ hội Hindu thu hút hàng triệu người, diễn ra trên sông Hằng ở Haridwa.

Tiến sĩ Chandrakant Lahariya, một chuyên gia về hệ thống y tế ở New Delhi, nói với BBC: “Có một sự khác biệt hoàn toàn giữa những gì họ thực hành và những gì họ giảng".

covid-an-do5.jpg
Các công nhân mang thi thể của một người đã chết vì COVID-19 đi hỏa táng. Ảnh: Sipa

Được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây lan, làn sóng lây nhiễm mới đã nhanh chóng nhấn chìm quốc gia này với gần gấp đôi số ca nhiễm lên 20 triệu ca chỉ trong 3 tháng.

“Trước đó, các cá nhân đã bị ảnh hưởng, nhưng ngày nay cả gia đình đều bị nhiễm COVID”, Lahariya nói với Tạp chí Y khoa Anh.

Tụt hậu về tốc độ tiêm chủng

Các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu sót trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, không có đủ các xét nghiệm, thuốc hoặc giường bệnh. Nguồn cung cấp oxy cũng đang cạn kiệt, buộc các gia đình phải tranh nhau tìm bình oxy cho người thân bị bệnh của họ.

covid-an-do3.jpg
Người dân tập trung đông người tại một lễ hội Hindu. Ảnh: Zumapress

“Khi làn sóng đầu tiên giảm dần, đó là lúc họ nên chuẩn bị cho đợt thứ hai và cho những điều tồi tệ nhất. Chính phủ lẽ ra nên kiểm kê lượng oxy và thuốc remdesivir, sau đó tăng cường năng lực sản xuất”, Mahesh Zagade, cựu Bộ trưởng Y tế của bang Maharashtra, nói với BBC.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang bị tụt hậu vì tiêm chủng không đủ liều và chỉ tiêm được cho khoảng 2,1 triệu người hàng ngày, tức khoảng 0,15% dân số.

“Sẽ mất nhiều tháng trước khi chúng tôi có đủ vaccine để đẩy nhanh chương trình. Trong khi đó, hàng triệu người sẽ tiếp tục có nguy cơ bị nhiễm COVID-19”, Lahariya nói với BBC.

Ấn Độ - nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới đang là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19, với số ca mắc mới ở mức trên 400.000 ca/ngày kéo dài suốt gần một tuần qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 401.271 ca nhiễm và 4.194  ca tử vong do COVID-19, cao nhất thế giới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 21.886.556 và 238.265.

Hiện một số bang ở Ấn Độ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc lệnh phong tỏa từng phần, trong khi thủ đô New Delhi đang áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3, có hiệu lực đến ngày 10/5. Tuy nhiên, chính phủ liên bang vẫn loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn.

NHẬT SANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật