3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề. Nhiều người dân không biết đến các triệu chứng sớm của đột quỵ não thì sẽ bỏ qua mất thời gian 6 giờ vàng này.
Cấp cứu sớm, tỉ lệ sống sót cao
Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ chuyên khoa I Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thì đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Rất nhiều nghệ sĩ Việt qua đời vì đột quỵ. |
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Theo bác sĩ Hồng Phúc thì có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Thời gian “vàng” trong đột quỵ là thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được quy ước trong vòng từ 4 đến 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông.
Nhiều người không nắm được thời gian vàng khi bị đột quỵ. |
Bệnh nhân đến trong khoảng thời gian này nếu được chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não thỏa các điều kiện sức khỏe cho phép: Sẽ được tiêm thuốc tan máu đông đường tĩnh mạch rTPA (Alteplase).
Nếu chẩn đoán được bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch lớn nội sọ (Cảnh trong, não giữa M1, thân nền…) có thể tiêm rTPA nhưng phải chuyển ngay bệnh nhân đến “Phòng DSA” can thiệp lấy huyết khối vì xác suất tái thông do thuốc thành công thấp trong tắc mạch lớn.
Bệnh nhân đến sau 4,5 giờ sẽ không còn chỉ định tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch nữa (cho dù tắc mạch nhỏ cũng không được sử dụng). Nếu bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não chẩn đoán được do tắc động mạch lớn đến trong khoảng thời gian này sẽ được can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Can thiệp tái thông càng sớm càng nhanh chóng sẽ càng tốt cho bệnh nhân.
Càng sau mốc 6 giờ tổn thương não càng nặng, hiệu quả can thiệp càng kém, tai biến biến chứng sau can thiệp càng cao.Thời gian can thiệp sau 6 giờ là “can thiệp cầu may” tìm thêm cơ may cho bệnh nhân đến trễ nếu bác sĩ có thể chứng minh được là còn cơ may cho bệnh nhân, “còn vùng tranh tối tranh sáng” nghĩa là vùng tế bào não thiếu máu nuôi chưa chết hẳn còn có thể hồi phục.
Tại sao đột quỵ thường cấp cứu muộn?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đột quỵ não thường bỏ qua mất "giờ vàng" này có nhiều nguyên nhân. Trong đó phải nói đến kiến thức “giờ vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được.
Đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu.
Thứ hai, là đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4.
Thứ 3 là công tác tổ chức cấp cứu đột quỵ khi bệnh nhân đến viện thường diễn ra chậm ở hầu hết các bệnh viện. Tại bệnh viện có thể bệnh nhân phải nằm tại khoa cấp cứu mất vài giờ để các bác sĩ từ các khoa khác đến để khám, chẩn đoán... rồi mới được đưa đi chụp mạch não... Cứ như vậy thì bệnh nhân mất đi cơ hội của 3-6 giờ đầu tiên, mà trong đột quỵ não thì bệnh nhân càng được cấp cứu sớm thì khả năng phục hồi càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Phúc, các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm: Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ. |
Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động. Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ. Hay đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.
Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh. Bạn cần lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra.
Đặc biệt đối với những người có tiền sử đột quỵ là người có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
Ngoài ra bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, mỡ máu, cholesterol cao, thừa cân, béo phì… có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Những bệnh viện nào tại TP.HCM tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ? Theo Sở Y tế TP.HCM đến thời điểm hiện tại có 26 bệnh viện trên địa bàn có thể tiếp nhận và điều trị đột quỵ . Mạng lưới 34 trạm cấp cứu vệ tinh trong thành phố bao phủ khắp địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng ứng cứu và vận chuyển người bệnh bị đột quỵ đến các bệnh viện có năng lực điều trị đột quỵ phù hợp.
|