Khi thời tiết nóng dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, tiêu chảy cấp –còn gọi là tả, lỵ, thương hàn, các bệnh virus đường ruột như Rotavirus-gây tiêu chảy ở trẻ em...). Ngoài ra nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn gây ngộ độc hàng loạt cũng thường xảy ra trong mùa hè.
Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, cộng với sự ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, đất, nước), bụi bặm nhiều hơn làm cho gia tăng các bệnh dịch trên.
Nắng nóng còn dễ gây ra đột quỵ. Tình trạng đột quỵ là do mạch máu não bị tắc nghẽn khiến dòng máu không thể lưu thông lên não và nuôi dưỡng các tế bào não. Một nguyên nhân khác là mạch máu não bị vỡ, khối máu tụ thoát ra khỏi lòng mạch và chèn ép, gây thiếu máu nuôi các nhu mô não. Phần não bị thiếu máu sẽ bị thiếu dưỡng chất và hoại tử, từ đó gây mất chức năng của tế bào não.
Tình trạng đột quỵ thường xuyên xảy ra vào mùa hè là do việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ kém hơn so với các mùa khác như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu,... Đặc biệt yếu tố nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng dễ dẫn đến tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất nước do hoạt động lâu dưới thời tiết nắng nóng,... gây ra đột quỵ, thiếu máu não ở những người lớn tuổi và người có bệnh lý nền.
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Những nhóm người cần chú ý khi vào mùa hè, trời nắng gắt?
Dẫn đầu nhóm nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng là người già trên 60 tuổi, những người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Những người trẻ thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, hay phải chịu áp lực công việc/cuộc sống… cũng rất dễ bị đột quỵ vào mùa hè.
Về phân bổ địa lý, đột quỵ thường xảy ra với người thành thị hơn nông thôn. Bởi đô thị hóa, bê-tông hóa khiến nhiệt độ ở thành phố gay gắt hơn các vùng quê. Người ở phố còn phải hứng chịu lượng nhiệt từ các bức tường, đường nhựa phả hơi nóng khiến nhiệt độ ban đêm giảm chậm hơn, sốc nhiệt khi thay đổi đột ngột từ phòng có điều hòa mát ra bên ngoài.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh khi trời nắng nóng
Trời nắng nóng, khi đi ra ngoài nên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, mắt kính che chắn bảo vệ cơ thể, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Những người mắc các bệnh mạn tính nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa sau: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh cũng là kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nên đặt thuốc ở vị trí dễ nhớ, nếu cần có thể đặt báo thức để nhắc nhở về việc uống thuố.
Hạn chế đi ngoài trời vào thời điểm trưa nắng từ 10g-16g, nếu phải đi ra ngoài cần đảm bảo chống nóng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, nên cân đối giữa làm việc - nghỉ ngơi để tránh quá sức, uống đủ nước để phòng mất nước.
Khi sử dụng điều hòa, nên bật điều hòa ở mức từ 25-27°C (không nên chênh lệch quá 10°C so với nhiệt độ ngoài trời). Không để điều hòa thổi thẳng vào mặt, không nằm điều hòa ngay sau khi tắm vì ảnh hưởng xấu tới hoạt động của tim và huyết áp.
Trước khi bước ra ngoài, nên tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể kịp thích nghi với không khí nóng bên ngoài.
Khi đi ngoài nắng về, cơ thể ra nhiều mồ hôi không nên tắm nước lạnh ngay mà phải ngồi nghỉ ngơi chừng 30 phút, để mồ hôi khô ráo.
Cần cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây tươi, không uống nhiều nước lạnh, đặc biệt là những người có bệnh tim mạch và huyết áp.
Để phòng các bệnh tiêu hoá cần ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã; không uống nước đá, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh...), rửa tay trước khi ăn. Thực phẩm phải mua loại còn tươi nguyên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chế biến ngay, bảo quản thức ăn đã chế biến trong điều kiện thích hợp và không để quá lâu, không ăn thực phẩm ôi thiu...
Đối với các bệnh do côn trùng đốt, do muỗi truyền (sốt xuất huyết) cần ăn ở hợp vệ sinh, ngủ màn tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy, không để tồn tại những vũng nước mưa, loại bỏ những dụng cụ đựng nước mưa để không cho muỗi tồn tại và phát triển. Các bệnh do virus nên dùng vắc-xin tiêm phòng. Việc vệ sinh môi trường tốt còn giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp.
Nên tập các bài thể dục trong nhà hoặc tập lúc sáng sớm khi trời mát hay đợi buổi chiều khi trời tắt nắng, nhiệt độ ngoài trời giảm thì mới ra ngoài đi tập. Không tập luyện quá gắng sức, xen kẽ các bài tập là thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
Đối với những người trẻ, khi tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời phải chú ý uống bù nước, tránh vận động mạnh vùng đầu cổ đột ngột gây tổn thương mạch máu vùng đầu cổ và không sử dụng chất kích thích làm huyết áp tăng vọt.