Kết quả một nghiên cứu mới đây về giấc ngủ và sức khỏe tâm thần đã cho thấy, hơn 60% người trưởng thành có biểu hiện khó ngủ gặp phải các triệu chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc nặng hơn.
Trong khảo sát định kỳ hàng năm, Tổ chức nghiên cứu giấc ngủ quốc gia (NSF) Mỹ năm nay đã tập trung vào khảo sát tác động của giấc ngủ đối với sức khỏe tâm thần vì thực trạng khủng hoảng về sức khỏe tâm thần đang diễn ra hiện nay ở Mỹ.
John Lopos, giám đốc điều hành của NSF, cho biết: "Trong nỗ lực cải thiện tình trạng sức khỏe giấc ngủ, chúng tôi đưa ra nhiều lời khuyên dựa trên bằng chứng, sự đồng thuận và các biện pháp để giúp mọi người có đủ giấc ngủ chất lượng mà họ cần. Trong nghiên cứu mới này, chúng tôi đã xem xét mối liên quan giữa sức khỏe giấc ngủ và vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm".
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, khoảng 65% người trưởng thành không hài lòng với với giấc ngủ của mình có các triệu chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc nặng hơn.
Trầm cảm hay gọi là rối loạn trầm cảm là một rối loạn tâm trạng phổ biến gây ra những thay đổi trong cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Tất cả chúng ta đều cảm thấy buồn bã khi một sự việc không theo ý muốn xảy ra, nhưng trầm cảm gây ra những thay đổi tâm trạng dữ dội, kéo dài hơn và các triệu chứng thể chất khiến chúng ta khó ngủ, khó làm việc và hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
Những người có khó ngủ (thậm chí chỉ khó ngủ 2 đêm một tuần) có các triệu chứng trầm cảm cao hơn những người không khó ngủ. Khoảng 50% người trưởng thành ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm đã gặp phải các triệu chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc nặng hơn.
Joseph Dzierzewski - Phó giám đốc phụ trách vấn đề nghiên cứu khoa học của NSF, cho biết: "Một khía cạnh độc đáo của khảo sát năm nay đó là chúng tôi đã kết hợp công cụ đánh giá sức khỏe giấc ngủ với công cụ đánh giá về các triệu chứng trầm cảm để xem xét mối liên quan giữa sức khỏe giấc ngủ và các triệu chứng trầm cảm trong cộng đồng nói chung".
"Với vai trò là một bác sĩ lâm sàng, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung quan tâm tới sự hiện diện của mối liên quan rõ ràng giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần" - Joseph Dzierzewski nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, người dân nên tới cơ sở y tế để nhận tư vấn sức khỏe nếu không thể ngủ được mặc dù đã cố gắng thực hiện các biện pháp để có được giấc ngủ. Đặc biệt, việc sớm đi kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng nếu bản thân cảm thấy bất ổn về tâm trạng hoặc có cảm giác chán nản.
Người ta nhận thấy mối quan hệ qua lại giữa mất ngủ và trầm cảm, hai yếu tố này là mối quan hệ hai chiều.
Cụ thể, thiếu ngủ không chỉ là hậu quả của bệnh trầm cảm. Bản thân tình trạng mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Một số nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra những người thường xuyên bị mất ngủ và họ không có tiền sử trầm cảm trước đó, thì họ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp bốn lần so với những người không có tiền sử mất ngủ. Không chỉ như vậy, những người bị trầm cảm nếu mất ngủ có nguy cơ đối mặt với tình trạng trầm cảm nặng hơn.
Việc mất ngủ gây trầm cảm có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân như:
Mất ngủ có thể làm suy giảm tâm trạng và suy giảm tâm trạng sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong việc đối mặt với các áp lực từ cuộc sống.
Một số người lạm dụng việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cũng khiến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm gia tăng.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng mất ngủ trầm trọng, hoặc giảm ngủ theo thời gian, có thể dẫn đến trầm cảm do có những thay đổi trong chất dẫn truyền thần kinh serotonin của não.
Giấc ngủ quan trọng với cơ thể, bởi trong khi chúng ta ngủ thì cơ thể phát triển, sửa chữa, duy trì sự cân bằng lành mạnh của các hormone và duy trì khả năng miễn dịch khỏe mạnh. Từ đó, giúp ta hạn chế mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhiễm khuẩn...nhưng nếu chúng ta không ngủ đủ thì sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Chính những bệnh lý này cũng góp phần gây bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh vừa thiếu ngủ và vừa mắc bệnh trầm cảm thì cũng không dễ để tìm ra cái nào có trước. Nhưng việc điều trị các vấn đề về giấc ngủ sớm có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa tình trạng tăng nặng bệnh trầm cảm.
Thường người bệnh sẽ phải tìm đến bác sĩ để điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống tích cực.