• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng

Chuyên gia khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người...

Đột quỵ thường được xem là bệnh của người cao tuổi, trung bình từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên những năm gần đây, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa ở Việt Nam.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến cơ sở y tế muộn là chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Hơn thế, họ không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi".

 Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng

Ông Tôn cho hay, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng,…Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy cứ 4 người từ 25 đến 49 tuổi thì có một trường hợp tăng huyết áp. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 2 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là thiếu máu cục bộ và xuất huyết, trong đó thiếu máu cục bộ là nguyên do của 85% các trường hợp. Tổ chức Y tế Thế giới thống kê đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong. Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, tiết lộ tỷ lệ tử vong của người Việt Nam khi mắc đột quỵ là hơn 30% 70% ca còn lại sau cơn đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết nguyên nhân khiến người trẻ tuổi tại Việt Nam bị đột quỵ ngày càng nhiều là: Bệnh lý dị dạng mạch máu não; hút thuốc lá; rối loạn chuyển hóa mỡ máu; béo phì và lười vận động; tiểu đường, tăng huyết áp; uống rượu bia. 

Người trẻ có thể đẩy lùi các nguyên này nhờ vào các thói quen sinh hoạt lành mạnh như như tập thể dục, hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, không uống rượu bia, hút thuốc lá. Chuyên gia cũng khuyến cáo không nên cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó).

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo chúng ta có thể nhận biết người bị tai biến mạch máu não thông qua nguyên tắc F.A.S.T.

Khuôn mặt (Face): Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp, nặng hơn là bị liệt cơ mặt, không thể cười, méo miệng. Do đó, bạn nên yêu cầu người đó mỉm cười để kiểm tra.

Cánh tay (Arm):  Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay. Vì vậy, yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao.

Lời nói (Speech): ối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp. Người nhà nên kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản.

Thời điểm (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

NHS Trust lưu ý nếu bạn gặp một trong các triệu chứng trên, tuyệt đối không tự lái xe đến bệnh viện hoặc để người khác chở. Bệnh nhân cần được gọi hỗ trợ y tế và sơ - cấp cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật