Theo Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia (2020), tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Cụ thể là tăng từ 8.5% (2010) - 19,0% (2020).
Bác sĩ CKII Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết tỉ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam, cùng với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới.
Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% năm 2020, trong đó tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo "Vì sao đánh thuế đồ uống có đường" do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện vào năm 2017, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường ăn, được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên, có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc) như nước ngọt, nước ép trái cây, các loại nước có pha chế hương liệu, đồ uống cho người chơi thể thao, trà, cà phê pha sẵn,...
Đường tự nhiên còn được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, vì vậy việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm.
Nếu không giảm dung nạp thức ăn từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ dồ uống có đường sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì bởi chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, có mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ ĐUCĐ và tăng cân ở trẻ em (theo báo cáo "Giảm tiêu thụ ĐUCĐ và tác động tiêu cực tới sức khỏe ở Estonia" do EVIPNet Europe thực hiện vào năm 2017).
Theo một nghiên cứu Cohort ở hơn 9.000 trẻ em trong độ tuổi từ 2-5 ở Mỹ, những trẻ tiêu thụ ≥ 236 ml ĐUCĐ hằng ngày sẽ có sự thay đổi lớn về chỉ số thừa cân, béo phì và có khả năng cao trong 2 năm sau sẽ trở thành thừa cân, béo phì. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, trẻ em 5 tuổi uống nhiều ĐUCĐ thường xuyên cũng có tỷ lệ thừa cân béo phì cao gấp 1,43 lần so với nhóm không uống.
Ở những nhóm tuổi lớn hơn, các nghiên cứu cũng cho thấy, việc tăng tiêu thụ ĐUCĐ có tỷ lệ thuận với tăng chỉ số khối lượng cơ thể. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nếu trẻ em uống 355 ml (khoảng một lon) soda mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh béo phì sẽ tăng lên 60% trong vòng một năm rưỡi.
Mức tiêu thụ ĐUCĐ ở Việt Nam cũng đã gia tăng nhanh, gấp 7 lần trong 15 năm qua. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi và gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt ít nhất một lần/ngày.
Ở Việt Nam hiện chưa có số liệu về mức tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy tiêu thụ loại đồ uống này ở trẻ em nhiều hơn so với người trưởng thành.