Tiến sĩ Carl Fleisher, chuyên ngành tâm thần học thanh thiếu niên và trẻ em tại hệ thống y tế ULCA Health (Mỹ), cho biết: “Thanh thiếu niên có tỷ lệ tự tử ngày càng tăng so với 10, 15 năm nước”.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng cho biết tự tử là nguyên nhân dẫn đến cái chết thứ ba của những người 15-24 tuổi ở Mỹ. Từ năm 2019, số cô gái tuổi teen tự tử tăng 50%.
Cũng tại Mỹ, năm 2021, các khoa cấp cứu đã ghi nhận sự gia tăng mạnh về số lượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi cần được điều trị vì có ý định hoặc hành động tự tử. Khảo sát liên bang năm ngoái của CDC cũng tiết lộ cứ 5 học sinh trung học thì có một người nghĩ đến việc tự tử.
Vậy lý do đằng sau những con số biết nói này là gì?
Ảnh minh họa |
Áp lực học tập
Theo dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB), thiếu niên dưới 18 tuổi thường tự tử vì thi trượt.
Tầm quan trọng của một kỳ thi hay điểm số đã ăn sâu vào tâm trí của học sinh và cha mẹ. Từ đó, việc thi trượt hoặc đơn giản chỉ là không đạt điểm cao khiến nhiều người trẻ tuổi cảm thấy lạc lõng và thất bại.
Những áp lực quá mức về thành tích học tập, do người khác áp đặt hoặc chính bản thân tạo ra có thể thôi thúc thanh thiếu niên tự sát.
Trầm cảm
Thanh thiếu niên bị trầm cảm có xu hướng tự tìm đến cái chết nhiều hơn. Các triệu chứng trầm cảm thường thấy là buồn bã, cáu kỉnh, và có xu hướng luôn thái quá hầu hết mọi chuyện. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người có thể che đậy cảm xúc của bản thân hoặc không biết cách chia sẻ.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ nhấn mạnh do cứ 5 thanh thiếu niên thì có một người mắc bệnh trầm cảm, có thể là vào một thời điểm nào đó, nên tất cả các em từ 12 tuổi trở lên cần được sàng lọc các nguy cơ trầm cảm, tự tử hàng năm.
Bị bắt nạt
Thiếu niên bị bắt nạt, hay là người đi bắt nạt, dù trong hình thức xảy ra trực tiếp hay “ảo” trên mạng, cũng đều đối mặt với nguy cơ có ý nghĩ và hành động tự sát cao.
Nghiên cứu năm 2021 của Medscape cho thấy thanh thiếu niên bị bắt nạt trực tuyến có khả năng có ý định tự tử cao hơn khoảng 12 lần so với những bạn cùng trang lứa không bị như vậy.
Ảnh hưởng từ gia đình
Môi trường sống thường xuyên bị lạm dụng, bạo lực dẫn đến những khó khăn về sức khỏe tâm thần cho người bị hại.
Mỗi đứa trẻ bị ngược đãi hoặc bỏ bê, không được quan tâm, sẽ có các phản ứng đối phó khác nhau, có thể trở nên trầm cảm hoặc có hành vi tự tử. Thậm chí, khi lớn hơn một chút, chúng vẫn gặp khó khăn trong học tập, dễ sa đọa vào các tệ nạn xã hội như rượu bia, chất kích thích,...
Xu hướng tình dục
Trong số thanh thiếu niên tự kết liễu đời mình, có nhiều người là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới hoặc nghi ngờ bản dạng giới của mình (LGBTQ).
Những người trẻ tuổi thuộc LGBT có khả năng tự tử cao gấp 4 lần so với những người dị tính, do thường xuyên chịu áp lực, bị phân biệt đối xử, thù địch từ xã hội, gia đình.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, một nghiên cứu đã chỉ ra khi những thiếu niên công khai xu hướng tình dục và nhận phải phản ứng tiêu cực của gia đình dễ chọn cách tự tử.
Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên LGBTQ gia tăng nếu họ phải nhận những phản ứng tiêu cực hoặc bị từ chối khi “công khai” xu hướng tính dục của bản thân. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên chuyển giới và không theo tiêu chuẩn giới có ý định tự tử và tự làm hại bản thân cao hơn mức trung bình.
Dấu hiệu một người muốn tự sát
Những người có ý định tự tử thường xa lánh bạn bè, người thân, hay mất tập trung. Họ không còn có hứng thú với những sở thích trước kia, trở nên bi quan.
Ngoài ra, những người này còn thường xuyên quan tâm đến các hoạt động nguy hiểm, có tính chất đe dọa đến tính mạng, nói chuyện nhiều hơn về các vụ tự tử và có những hành động tự hại bản thân.
Khi có ý định tự tử, họ thường không tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, phụ huynh, trường học và bạn bè có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và nên có hành động đúng đắn, sáng suốt để sự việc không đi quá xa.
Tiến sĩ Fleisher khuyến khích người lớn nên chủ động hỏi thăm và thể hiện rằng luôn sẵn sàng lắng nghe thanh thiếu niên. “Không phải vì những người trẻ tuổi này đang đối mặt với khó khăn, mà là vì họ cố tỏ ra bản thân vẫn ổn. Ai cũng có những nỗi buồn, ai cũng cần được giúp đỡ”, ông nói.
Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tự sát, bởi lẽ thanh thiếu niên dành phần lớn thời gian trong ngày là ở trường. Các giáo viên trong trường cần phải cảnh giác với các yếu tố rủi ro tiềm ẩn từ cách học sinh thể hiện vấn đề tâm lý, cố gắng giúp các em có cảm giác an toàn và mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình.
Cha mẹ, người thân là những yếu tố quan trọng trong quá trình đánh giá rủi ro tự tử, bởi lẽ họ sẽ biết rõ tiền sử sức khỏe tâm thần, các vấn đề lục đục trong gia đình, hoặc các vấn đề khiến con cái buồn rầu và thậm chí là các hành vi tự tử trước đây.