Theo Nikkei Asia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia - tất cả những câu chuyện thành công ban đầu về phòng chống dịch COVID-19, hiện đang áp dụng hình thức ngăn ngừa "quả đấm thép" nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19 mới.
Thái Lan tăng cường kiểm soát biên giới
Cụ thể, từ ngày 1/5, Thái Lan đã ban hành lệnh đeo khẩu trang trên toàn quốc và cấm ăn tối trong các nhà hàng ở Bangkok cũng như những nơi công công khác. Các khu cư dân địa phương lần đầu tiên nhiễm của biến thể Vương quốc Anh đã được xác nhận vào đầu tháng 4.
Vào cuối tháng đó, nước này đã thống kê được tổng số 65.000 trường hợp mắc COVID-19, nhiều hơn gấp đôi con số được báo cáo một tháng 4.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha sau đó đã quyết định đảm nhận các quyền cấp bộ trưởng được cấp bởi 31 luật, bao gồm cả Đạo luật về các bệnh truyền nhiễm. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói rằng ý định của ông là củng cố quyền hạn cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đây mạnh tiêm chủng và nâng cao hiệu quả.
Nhà chức trách Thái Lan đã tăng cường thêm các trạm kiểm soát và tuần tra dọc theo biên giới, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Nam, nhằm ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép và giúp chặn đứng sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tư lệnh cảnh sát quốc gia Thái Lan Suwat Jangyodsuk đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị cảnh sát tăng cường giám sát để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục vật lộn chống lại làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
Theo Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia Damrongsak Kittiprapat, tất cả các đơn vị cảnh sát sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách các địa phương và các cơ quan an ninh để hạn chế việc vượt biên trái phép do lo ngại về khả năng xảy ra một đợt bùng phát của các biến thể của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan từ các nước láng giềng.
Ông Damrongsak cho biết các trạm kiểm soát cũng sẽ được thiết lập ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, với nhân lực được bố trí làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn việc vận chuyển người di cư bất hợp pháp.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng đã ban hành hướng dẫn cách ly người di cư bất hợp pháp cho cảnh sát tuần tra biên giới tại 10 tỉnh.
Những người di cư bất hợp pháp phải đối mặt với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp theo Đạo luật Nhập cư và sẽ ngay lập tức bị cách ly, buộc tội và trục xuất ngay sau khi họ hoàn thành việc cách ly bắt buộc.
Tại miền Bắc Thái Lan, Phó Tư lệnh cảnh sát vùng 6 Trairong Piewpan cho biết các trạm kiểm soát đã được thiết lập dọc theo các tuyến đường bộ, đường thủy và các lối mòn tự nhiên để chặn tất cả các ngả đường mà những người vượt biên trái phép từ Myanmar có thể sử dụng.
Tại tỉnh Songkhla ở miền Nam, các cuộc tuần tra hỗn hợp của Đơn vị Cảnh sát Tuần tra Biên giới 437 và Đại đội 5021 thuộc Trung đoàn Bộ binh số 5 được triển khai dọc theo biên giới với Malaysia, đặc biệt là ở các khu vực miền núi mà những người qua biên giới thường xuyên sử dụng.
Việc tăng cường quản lý biên giới nói trên được thực hiện sau khi Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) hôm 10/5 nhấn mạnh chính quyền các địa phương cần phải cảnh giác đề phòng những vụ vượt biên trái phép từ các nước láng giềng.
Theo CCSA, từ ngày 1-10/5, 1.126 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt vì nhập cảnh trái phép, trong khi 104 người bị giam giữ trong 24 giờ qua vì nhập cảnh trái phép từ Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia.
Nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày
Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả giải trình tự gene ngày 7/5, đối với các mẫu của Hà Nội, bệnh nhân người Đông Anh (BN 2911), là F1 của Bệnh nhân BN 2899 ở Hà Nam thuộc biến thể B.1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh). Bệnh nhân người Ấn Độ, cách ly ở Hải Phòng, sau về cách ly tại Time City thuộc biến thể B.1.617.2 (biến thể phát hiện ở Ấn Độ).
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVDI-19, Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung trung 21 ngày đối với những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 và các trường hợp nhập cảnh, thay vì 14 ngày như trước đây.
Chiều 11/5, UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm… từ hôm nay để chống dịch.
Văn bản hỏa tốc do ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cho đến khi có chỉ đạo mới của Thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo giải tỏa ngay các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Theo Bộ Y tế, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến chủng mới, các nhà khoa học phải nghiên cứu, đánh giá lại thời gian ủ bệnh của virus này, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, tránh lây nhiễm từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh COVID-19. Vì vậy, cần kéo dài thêm thời gian cách ly tập trung.
Thủ đô Hà Nội đã ra lệnh đóng cửa các quán karaoke và quán bar, hủy bỏ các sự kiện lớn và bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Người vi phạm phải chịu hình phạt.
Tại sao các quốc gia đã ngăn chặn thành công sự lây lan của COVID-19 lại đang gia tăng các ca bệnh mới? Những người di cư tự do nhưng qua lại biên giới bất hợp pháp đang phải chịu nhiều trách nhiệm.
Chính phủ Việt Nam cho biết khoảng 85% bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh từ Campuchia có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể của Vương quốc Anh.
Malaysia quyết định phong tỏa toàn quốc
Ngày 10/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối phó với một làn sóng COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này vượt 440.000 ca.
Theo đó, việc di chuyển giữa các quận và các bang tại Malaysia sẽ bị cấm, trừ các trường hợp khẩn cấp.
Từ ngày 10/5 đến ngày 6/6 tới, mọi hoạt động xã hội, thể thao sẽ bị cấm trong khi tất cả các cơ sở giáo dục đều phải đóng cửa.
Các biện pháp hạn chế khác trong thời gian phong tỏa sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5 tới ngày 7/6.
Trong thời gian phong tỏa toàn quốc, mọi lĩnh vực kinh tế vẫn hoạt động bình thường.
Tại Campuchia, thủ đô Phnom Penh và Takmao vào ngày 15/4 đã ra lệnh phong toả trên toàn thành phố. Các biện pháp được đưa ra khoảng hai tháng sau khi virus tấn công Phnom Penh, sau đó lan rộng ra toàn quốc.
Trước cuối tháng Hai, nước này chỉ thống kê khoảng 500 trường hợp nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, con số đó đã lên đến 10.000 người.
Nguồn tin cho rằng các công nhân Trung Quốc đã bỏ qua lệnh kiểm dịch và rời khỏi các cơ sở được chỉ định của họ đã gây ra sự lây lan.
Hiện chính phủ Campuchia đang trục xuất những người nước ngoài vi phạm kiểm dịch và không cho phép họ tái nhập cảnh.
Chính phủ cũng đang xử phạt những người Campuchia vi phạm lệnh lưu trú tại nhà. Ngoài ra, họ đã yêu cầu hơn 200 nhà máy may mặc tạm ngừng sản xuất.