• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WHO khuyến cáo không nên uống thuốc giảm đau, chống dị ứng trước tiêm vaccine COVID-19

WHO cảnh báo mọi người dân không nên uống các loại thuốc giảm đau hay các thuốc kháng...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra lời khuyên sau khi có nhiều thông tin lan truyền khuyến khích mọi người sử dụng paracetamol và thuốc kháng histamine (chống dị ứng) trước khi tiêm vaccine nhằm giảm tác dụng phụ tiềm ẩn sau tiêm.

Tuy nhiên WHO khẳng định, việc tự ý uống các loại thuốc giảm đau không được khuyến khích và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine COVID-19.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ thuốc giảm đau ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của vaccine. Tuy nhiên, bạn có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau khác sau tiêm nếu có biểu hiện đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ.

2106171008-1.jpg

WHO cho biết thêm, các tác dụng phụ phổ biến sau tiêm vaccine như đau nhức cánh tay, nhức đầu hoặc mệt mỏi đều là các phản ứng thông thường và hầu hết là nhẹ, sẽ tự hết sau một hoặc vài ngày, theo VTC.

Với các thuốc kháng histamine, dù có tác dụng giảm một số phản ứng dị ứng nhất định nhưng không có nghĩa ngăn ngừa hoàn toàn.

Theo GS Luke O'Neill, Chủ nhiệm khoa Hóa sinh tại ĐH Trinity, Ireland, không có lý do gì để dùng thử các thuốc kháng histamine để hạn chế các triệu chứng có thể mắc phải sau tiêm. Bạn chỉ nên dùng khi xuất hiện các triệu chứng.

GS O'Neill khuyến cáo, nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn. Với một số trường hợp, bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định dùng thuốc kháng histamine để điều trị phát ban và các phản ứng dị ứng khác.

Liên quan đến việc tiêm vaccine, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo không cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tiêm vaccine, nhưng nên có chiến lược ăn, nghỉ hợp lý hơn.

HCDC hướng dẫn 5 điều nên thực hiện trước và sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, gồm: Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm, bổ sung đủ nước trước và sau tiêm, ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàn, không để bụng đói trước khi tiêm, không uống rượu, bia trước và sau tiêm, không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm, không ăn nhiều chất béo bão hòa...

Theo các chuyên gia y tế, các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine COVID-19 là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi, phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Sau tiêm, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

HẢI MY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật