Tự nhận mình là một người đã từng chẳng có đồng nào trong tài khoản tiết kiệm, tiền lương hàng tháng, hoặc là tiêu hết hoặc là... "bị âm", Văn Quân - Người phụ nữ 34 tuổi giờ đây lại khẳng định bản thân đã thay đổi hoàn toàn.
"Tôi không còn nghiện mua sắm nữa. So với việc tận hưởng cảm giác mặc một bộ đồ mới, khoác một chiếc túi xách mới hay đi đôi giày hàng hiệu, tôi nghiện cảm giác nhìn số dư trong tài khoản tiết kiệm của mình hơn" - Văn Quân chia sẻ với Toutiao.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Văn Quân cho biết trong 1 năm vừa qua, cô đã tiết kiệm được hơn 50.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 171 triệu đồng) và con số này vẫn đang tiếp tục "nhích dần lên" từng tháng.
Từ một người không biết tiết kiệm và cũng không có tiền tiết kiệm, Văn Quân đã làm thế nào để có chừng đó tiền? Câu trả lời mà Văn Quân đưa ra chỉ gói gọn trong 3 điều dòng dưới đây.
1. Nhận thức được tầm quan trọng của thói quen tiêu dùng
"Trước đây, tôi thường hối hận vì mua sắm bốc đồng nên tôi bắt đầu hình thành thói quen suy nghĩ trước khi mua. Mỗi khi nhìn vào một thứ gì đó, tôi đều dừng lại và tự hỏi: "Tôi có thực sự cần thứ này không?" Điều này không chỉ giúp tôi tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết mà còn khiến tôi nhìn nhận những khoản tiêu dùng khác nhau trong cuộc sống một cách hợp lý hơn" - Văn Quân khẳng định.
2. Trở thành khách hàng trung thành của thị trường đồ cũ
"Tôi nhận ra không phải lúc nào "của rẻ cũng là của ôi" và đôi khi hàng second-hand còn tốt hơn cả đồ mới nếu so sánh về chất lượng và giá tiền. Một chiếc túi hàng hiệu còn nguyên seal nguyên box, mới 100% có giá trên trời. Vẫn là chiếc túi đó nhưng là hàng second-hand, chi phí cần bỏ ra để mua có thể chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá mua mới. Với quần áo, giày dép cũng vậy" - Văn Quân chia sẻ.
Sau đó, cô còn không quên khẳng định rằng mua hàng second-hand vừa là cách tiết kiệm hầu bao cho mình, vừa là cách bảo vệ mội trường. Cô cảm thấy rất vui khi phát hiện ra sự thật này và kể từ đó đến nay, Văn Quân luôn "lùng sục" khắp các chợ đồ cũ, các hội nhóm trao đổi - buôn bán đồ cũ thay vì tìm mua đồ còn mới 100%.
3. Tự nấu ăn và dọn nhà
Ảnh minh họa |
"Trước đây, tôi cứ nghĩ việc không nấu ăn và thuê người tới dọn nhà sẽ giúp mình có thêm thời gian dành cho bản thân. Rồi tôi tự hỏi mình đã làm gì trong những lúc chờ đồ ăn giao tới hoặc lúc người giúp việc theo giờ tới dọn dẹp nhỉ? Câu trả lời không có gì khác ngoài nằm ươn người ra trên giường!
Tôi nhận ra mình vừa lười, vừa hay ngụy biện, sự thật là vậy! Sau đó, tôi quyết tâm tự nấu ăn hàng ngày và tự dọn dẹp nhà cửa hàng tuần. Dù rằng kỹ năng nấu nướng của tôi không được tốt cho lắm, chủ yếu toàn món luộc hoặc hấp nhưng chỉ sau 2 tuần áp dụng, tôi nhạn ra quá nhiều lợi ích: Tôi giảm được 1kg sau 2 tuần vì chủ yếu chỉ ăn đồ luộc hấp; trong lúc nấu nướng dọn dẹp, tôi cũng nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay giúp ích cho công việc" - Văn Quân chia sẻ.
Sau khi "ép bản thân vào khuôn khổ" trong vòng 1 tháng, Văn Quân chợt nhận ra việc con số trong tài khoản tiết kiệm đang "lớn" dần thêm cũng gây nghiện chẳng khác nào việc ăn đồ ăn nhanh hay mua sắm.
"Thật ra điều quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ chính là dù bạn lựa chọn tiêu xài thả ga hay tiết chế lại một chút để tiết kiệm, vẫn sẽ luôn có những "cái được và mất", không có lựa chọn nào là hoàn hảo cả.
Nếu đã cho phép bản thân tiêu xài thoải mái rồi, hãy thử học cách tiết chế lại một chút. Ngược lại, nếu bạn luôn sống tiết kiệm, cũng hãy thử cho phép bản thân được thích gì mua nấy trong vòng 1 buổi sáng hoặc 1 ngày. Khi có đủ trải nghiệm rồi, tôi nghĩ tự khắc mọi người sẽ học được cách cân bằng trong việc chi tiêu, tiết kiệm thôi.
Quan trọng là bạn phải tự tìm ra những cách cắt giảm chi tiêu hợp với mình. Hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp bạn nhanh chóng tìm ra hướng đi phù hợp trong việc chi tiêu, tiết kiệm" - Văn Quân nhắn nhủ.