Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư hồi đầu tháng 5, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết tập đoàn vẫn chưa sẵn sàng đầu tư bài bản cho chuỗi nhà thuốc An Khang. Nguyên nhân lớn nhất là vấn đề pháp lí trong kinh doanh dược phẩm còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm vừa diễn ra, CEO Thế Giới Di Động - ông Trần Kinh Doanh, đã tiết lộ hãng đang tính đến chuyện mở rộng chuỗi An Khang.
Quyết định này được đưa ra khi tập đoàn quyết làm mới chuỗi Bách Hóa Xanh, kỳ vọng mô hình Bách Hóa Xanh mới và nhà thuốc An Khang sẽ “cộng sinh” cùng phát triển.
Làm mới chuỗi Bách Hóa Xanh theo mô hình cửa hàng 5 tỷ
CEO Trần Kinh Doanh - người đang dẫn dắt chuỗi Bách Hóa Xanh, cho biết từ nay đến cuối năm, tập đoàn sẽ không quá mở rộng ồ ạt chuỗi bán lẻ thực phẩm, bách hoá tổng hợp này, vì so với kế hoạch thì chỉ trong vòng nửa đầu năm, Thế Giới Di Động gần như đã hoàn thành mục tiêu.
Thế Giới Di Động muốn làm mới chuỗi Bách Hóa Xanh. Ảnh: Nguyên Phương |
Nếu nhìn vào sự phát triển của Bách Hóa Xanh gần đây, có thể thấy tập đoàn đang tăng tốc và đẩy mạnh cho khu vực tỉnh lẻ. Riêng TP.HCM, tốc độ mở rộng chuỗi này ở mức thấp hơn.
“Điều này không có nghĩa là Thế Giới Di Động dừng mở rộng tại TP.HCM, mà tập đoàn đang chuẩn bị cho một mô hình mới và đây là mô hình hiện đại nhất hiện nay. Nếu mở mới, Bách Hóa Xanh sẽ được mở theo mô hình này, hoặc sẽ lần lượt chuyển đổi các cửa hàng từ mô hình cũ sang mô hình mới”, ông Doanh nói.
Hiện nay, Thế Giới Di Động đã bắt đầu thử nghiệm mô hình mới tại quận 9, TP.HCM - một trong những khu vực tập trung nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh nhất của tập đoàn tại TP.HCM.
Theo đó, điểm mới của mô hình này là diện tích được cơi nới rộng hơn, nếu một cửa hàng Bách Hóa Xanh chuẩn chỉ từ 200-300 m2 thì cửa hàng mới tối đa lên đến 550 m2, nhằm đón được nhiều khách hơn, trưng bày được nhiều hàng hơn.
Cụ thể, cửa hàng cũ chỉ có khoảng 4.500 mặt hàng thì cửa hàng mới cho phép đưa 6.000 sản phẩm tiếp cận bà nội trợ.
Ngoài ra, một điểm khác ở những cửa hàng theo mô hình là Bách Hóa Xanh mới là mang nhiều loại thực phẩm tươi sống như rau củ quả hay gạo… bán trực tiếp bên ngoài, để thu hút khách.
“Đây là những cửa hàng 5 tỷ. Bởi kỳ vọng doanh thu mỗi tháng lên đến khoảng 5 tỷ đồng. Các cửa hàng chật chội thì doanh thu cũng chật chội, nếu không gian rộng hơn, nhiều hàng hóa hơn thì lượng khách sẽ tăng lên. Hiện những cửa hàng ở quận 9 đang có lượng khách rất ổn định, khoảng 1.000 khách, và cho doanh thu mỗi ngày từ 100-150 triệu đồng”, ông Trần Kinh Doanh nói.
Đưa mô hình 5 tỷ ra Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
Cập nhật thêm về tình hinh kinh doanh tại Bách Hóa Xanh, CEO Trần Kinh Doanh cho hay nửa đầu năm, biên lợi nhuận gộp của chuỗi này lên đến 24-25%, đây là một con số ấn tượng.
Số lượng cửa hàng Bách Hoá Xanh tăng trưởng vượt bậc kể từ khi có mặt trên thị trường năm 2015. Đồ hoạ: Nguyên Phương |
Nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp tăng chỉ có hai cách là tăng giá bán ra hoặc mua hàng hoá rẻ. Bách Hóa Xanh đã mua hàng hiệu quả, nhiều mặt hàng tự nhập khẩu, tự kết nối với các nhà cung cấp trong nước để loại bỏ hoàn toàn khâu trung gian làm tăng biên lợi nhuận.
Ngoài ra, khi Bách Hóa Xanh đã trở thành một thương hiệu, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng cũng tự tìm đến, đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn hơn.
“Từ nay đến cuối năm, tôi vẫn thấy cơ hội lãi gộp tăng lên nữa, nhưng mức tăng ngắn hạn thì thêm được khoảng 1-2%”. Ông Doanh nói và cho rằng các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm trong năm nay vẫn rất nhiều cơ hội do tình hình khó đoán định trong bối cảnh COVID-19.
Song song đó, Bách Hóa Xanh cũng tăng cường hệ thống nhãn hàng riêng trong hệ thống phân phối. Theo đó, kế hoạch đến cuối năm 2021, số lượng nhãn hàng riêng, hàng hoá được tập đoàn đặt mua trực tiếp và phát triển đến tay người tiêu dùng có thể lên đến 1.000-1.500 mã hàng, chiếm tỷ lệ 25%.
“Cuối năm nay, chuỗi Bách Hóa Xanh có thể hòa vốn thì sang năm 2021 có lời được hay không chưa thể nói, nhưng rất kỳ vọng”, ông Trần Kinh Doanh cho hay.
Ông cho rằng kỳ vọng này sẽ có thêm cơ sở khi mô hình “cửa hàng 5 tỷ” đang được thực hiện. Bởi mô hình lớn cho phép tối đa đến 1.500 hoá đơn thanh toán trong ngày.
“Tại TP.HCM mở cửa hàng mới bắt buộc phải theo mẫu hình mới. Riêng các tỉnh thành mà người lao động có thu nhập cao như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì tập đoàn cũng có kế hoạch mở rộng sang mô hình này. Kỳ vọng có từ 1.000 khách, cho doanh thu 5 tỷ mỗi tháng”, ông Doanh nhấn mạnh.
Chiến lược Bách Hóa Xanh + 1 nhà thuốc An Khang
Lũy kế đến hết tháng 6/2020, tổng lỗ của chuỗi này hơn 8 tỷ đồng. Ảnh: Nguyên Phương |
Đáng chú ý, đi kèm với “cửa hàng Bách Hóa Xanh 5 tỷ” của Thế Giới Di Động là chiến lược + 1 nhà thuốc An Khang.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Trần Kinh Doanh thừa nhận công ty đang thử nghiệm đặt một nhà thuốc An Khang cạnh một cửa hàng Bách Hóa Xanh lớn, theo mô hình mới.
“Một cửa hàng tạo ra lưu lượng 1.000 người lui tới mỗi ngày thì có thể bán bất cứ thứ gì. Lợi thế ngon lành như vậy, cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể nhường lại 20-30 m2 cho nhà thuốc. Tôi tin nhà thuốc mở ra, ngay lập tức cho 100-150 hoá đơn thành công mỗi ngày, doanh thu 200-300 triệu đồng. Nhà thuốc đó sát bên Bách Hoá Xanh”, ông Doanh chắc chắn nói.
Ông cũng tiết lộ thêm với cách làm này, mỗi năm có thể có 100 nhà thuốc An Khang ra đời, phù hợp với chiến lược của Thế Giới Di Động khi quyết định mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang hồi cuối năm 2017, rồi dần dần “lột xác” chuỗi này với thương hiệu mới là An Khang.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thâu tóm, đến nay Thế Giới Di Động vẫn chưa đầu tư nhiều cho chuỗi này. Hiện chuỗi chỉ mới có khoảng 20 nhà thuốc tại TP.HCM và liên tục thua lỗ, đốt dần khoản đầu tư 62 tỷ đồng đồng của Thế Giới Di Động.
Lũy kế đến hết tháng 6/2020, tổng lỗ của chuỗi nhà thuốc này hơn 8 tỷ đồng.
Với kế hoạch mới: Bách Hóa Xanh + 1 nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động đang tái khởi động làm lại chuỗi nhà thuốc. Tập đoàn từng cho rằng dược phẩm rất tiềm năng, bởi thị trường chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm 20% thị phần, và Thế Giới Di Động kỳ vọng sẽ tiên phong nắm chắc miếng bánh này.