Giá thịt heo bị "thổi" lên gần 300.000 đồng/kg
Tại các chợ dân sinh, thịt heo có giá trung bình từ 150.000-220.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn thăn có giá 200.000 đồng/kg; nạc vai 180.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 180.000 đồng/kg; chân giò 170.000 đồng/kg, sườn non 220.000 đồng/kg...
Thịt heo tại siêu thị có giá cao hơn từ 10.000-35.000 đồng/kg so với chợ dân sinh. |
Tại các siêu thị tiện ích như BigC, Vissan, E-mart,... giá thịt heo của các công ty kinh doanh theo kiểu "từ trang trại đến bàn ăn" không qua các cầu trung gian lại có giá cao hơn chợ dân sinh từ 10.000-35.000 đồng/kg. Nguyên nhân được lí giải là bởi các loại phí quá đắt, nhiều loại lên tới 25%.
Cụ thể, giá sườn non của Vissan giá cao nhất 280.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 80.000 đồng/kg), thịt ba chỉ rút sườn 250.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 50.000 đồng/kg).
Tại siêu thị BigC, giá thịt ba rọi 214.900 đồng/kg (cao hơn chợ 34.900 đồng/kg), sườn non 259.000 đồng/kg (cao hơn chợ 30.000 đồng/kg), móng giò 139.000 đồng/kg (cao hơn chợ 29.000 đồng/kg)...
"Thịt siêu thị" tràn lên chợ mạng
Thịt heo siêu thị đang được rao bán trên chợ mạng với giá “siêu rẻ” chỉ bằng một nửa so với giá tại siêu thị, nên “thịt siêu thị” bán trên chợ mạng luôn thu hút sự quan tâm đặt hàng của nhiều người. Theo đó, thịt ba chỉ có giá 125.000 đồng/kg; sườn tươi 125.000 đồng/kg; mông sấn, nạc vai, nạc thăn, thịt xay đồng giá là 115.000 đồng/kg.
Hàng loạt bài viết tương tự rao bán “thịt siêu thị” siêu rẻ trên chợ online những ngày gần đây. |
Tuy nhiên, số lượng mỗi loại chỉ có hạn, nếu khách hàng muốn mua thịt heo với số lượng lớn thì phải đặt hàng trước ít nhất nửa ngày, nếu chất lượng thịt không đảm bảo thì người bán trên Facebook còn cam kết đền tiền gấp 5 lần .
“Đây là thịt có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, đóng từng khay từ 0,2-0,3kg, khách nhà tôi mua về ăn, làm pate, thịt chưng mắm tép nhiều lắm. Riêng ba chỉ khách muốn mua phải đặt trước cả tuần vì phụ thuộc vào hàng tồn của siêu thị, không tồn không lấy được”, một tài khoản Facebook chia sẻ với VietNamnet.
Thông tin này có vẻ như không hợp lý cho lắm, bởi nếu hàng tồn ở siêu thị thì có nghĩa là đã hết hạn sử dụng. Vì thế, người tiêu dùng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi mua sản phẩm thế này.
Giá heo hơi liên tục tăng mạnh, vì sao?
Tại miền Bắc giá heo hơi đang được thu mua với mức rất cao từ 97.000 - 102.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên giá heo đang ở mức cao từ 100.000 - 102.000 đồng/kg.
Còn tại khu vực miền Trung, giá heo ở các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đang được thương lái mua với mức giá 95.000 - 96.000 đồng/kg. Còn Ninh Thuận tiếp tục báo giá heo hơi thấp nhất của khu vực này với mức 90.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi tại Đồng Nai, Long An cũng được thu mua với mức cao nhất là 100.000 đồng/kg. Ccác tỉnh, thành còn lại giá heo được thu mua từ 95.000 - 98.000 đồng/kg.
Theo một người chuyên kinh doanh về thịt heo chia sẻ với Dân Trí, do nhu cầu thu mua tăng mạnh nên heo xuất chuồng hiện nay chỉ đạt 100 kg. Trong khi trước đây, heo phải đạt 120 kg thì các hộ chăn nuôi mới bán.
Hiện nay tại Hà Nội, theo các tiểu thương kinh doanh thịt heo thì giá heo móc hàm đang rất cao, ở mức 132.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cao nhưng theo các tiểu thương này, cũng không có heo để nhập.
Ông Trần Duy Khanh, Tổng Giám đốc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam cho rằng, do Bộ NN&PTNT thống kê số lượng tổn thất do dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) không chính xác đã dẫn đến lúng túng, thiếu tầm chiến lược trong chỉ đạo điều hành. Thời điểm mới xảy ra DTHCP Bộ “mải” chạy theo sự vụ, không có kế hoạch bài bản, dài hơi để ứng phó.
Điều này dẫn tới sự khủng hoảng về giá thịt heo như hiện nay, gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi trong việc tái đàn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ với VOV, hiện có tình trạng “bất tuân thượng lệnh”, Chính phủ yêu cầu giảm giá nhưng giá thịt lại vẫn tăng mà không hề báo cáo. Các công ty đều tăng giá như nhau trong cùng 1 ngày, phải chăng ở đây có sự liên kết vi phạm luật cạnh tranh, lợi dụng tình hình để bắt tay nhau tăng giá. Do đó, cần phải kiểm tra nghiêm những việc này. Các tiểu thương buôn bán phải có lợi nhuận nhưng cũng cần chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tình trạng tái đàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, người nuôi heo chỉ tính đến tiền con giống, chi phí thức ăn, tiền vắc-xin, công chăm sóc sẽ ra giá thành. Nhưng bây giờ, người chăn nuôi buộc phải tính chi phí rủi ro trong giá thành.
Trong tình hình dịch bệnh bình thường dẫn đến heo bị chết thì chỉ tính rủi ro ở mức 5% nhưng với các loại dịch bệnh hoành hành thì rủi ro phải tính từ 30% đến 50% giá thành. Đối với trang trại được đầu tư tốt nhất, người nuôi tính thêm giá trị rủi ro là 30% giá thành.