Mọi năm, cùng thời điểm này, tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) không khí chuẩn bị đóng gói, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, nhang, đèn... luôn sôi động. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên khu chợ này đã trở nên đìu hiu, lưa thưa vài ba khách vãng lai, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn tiểu thương.
Nguồn hàng dồi dào
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 29/12, tại chợ Bình Tây, hầu hết khu vực quầy hàng kinh doanh các loại bánh, mứt trái cây, kẹo... đã được bày biện đầy ắp trên quầy kệ. Nhưng lượng khách hàng đến mua và xem hàng còn ít hơn các tiểu thương trông coi hàng tại mỗi quầy.
Các sạp hàng vắng khách, không khí khu chợ trầm lắng mỗi người ngồi một góc để trông hàng. |
Cô Kiều Oanh, chủ sạp 681 chuyên bán các loại mứt trái cây tại chợ Bình Tây, chia sẻ: “Bán thì cũng bán được, có khách chứ không phải không nhưng so với năm trước thì giảm hơn một nửa. Do COVID-19 nên lượng khách vãng lai giảm mạnh. Đặc biệt, sau thông tin phát hiện nhiều ca nhiễm mới do nhập cảnh trái phép tại TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn hàng tôi vẫn chuẩn bị sẵn như mọi năm”.
Chị Uyên, người bán hàng tại một sạp bánh mứt, cũng thở dài: “Khách qua lại đều phải mời chào nhưng ai cũng nhìn, lắc đầu rồi đi. So với mọi năm, không khí Tết ở chợ hiện giờ trầm lắng lắm”.
Cô Kiều Oanh, chủ sạp 681 chuyên bán mứt trái cây chế biến. |
Cô Oanh cho biết, năm nay lượng khách sỉ giảm từ 50 - 70%. Có những đơn hàng năm ngoái đặt từ 10 thùng hàng thì năm nay chỉ còn 2 - 3 thùng. Những đơn hàng từ 50 triệu đồng, năm nay chỉ còn 15 - 20 triệu đồng.
Với tình hình lượng khách giảm đi, các tiểu tương trong chợ cũng không dám nhập trữ nhiều hàng hóa cho dịp Tết. Chủ yếu nguồn hàng nhập về đều được tính toán dựa theo sức mua và đặt hàng của những khách cũ.
Ở những sạp hàng khác như đồ trang trí, giấy tiền vàng mã... cũng trong tình trạng vắng khách. Các tiểu thương đang đóng hàng thành từng thùng chuyển đến những khách quen cũ hằng năm. |
Năm nay, do tâm lý lo ngại trước dịch COVID-19, khách hàng chủ yếu đặt hàng qua điện thoại, không đến mua và lựa hàng trực tiếp như mọi năm. Do đó, mặc dù lượng khách đi mua giảm hơn so với mọi năm nhưng việc đóng hàng chuẩn bị Tết vẫn diễn ra bình thường.
Các loại mứt tăng từ 10.000 đồng/kg
COVID-19 khiến nhu cầu mua sắm của người dân giảm nhưng lại đẩy giá thành lên cao. Điều này khiến các tiểu thương tại chợ “thở dài ngao ngán” vì không có khách mà giá cả cứ leo thang.
Hiện tại, giá của các loại mứt đang tăng 10.000 đồng/ký mỗi loại so với thời điểm đầu tháng trước. Cụ thể, chà là có giá 90.000 đồng/kg, củ năng 95.000 đồng/kg, dừa 100.000 đồng/kg, tắc dẻo 105.000 đồng/kg, kiwi 110.000 đồng/kg, sen huế 120.000 đồng/kg, nho và me 150.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các loại hạt ngày Tết cũng nhích nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg như hạt dưa lên 140.000 đồng/kg, hướng dương 80.000 đồng/kg, điều 250.000 đồng/kg, dẻ 350.000 đồng/kg.
Do lũ lụt và dịch bệnh COVID-19, giá bán của các loại mứt trái cây đều tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. |
Theo chủ sạp Dì Bảy, mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết là các loại bánh kẹo bán theo ký vì giá rẻ nên được nhiều người ưa chuộng. Mặt hàng mứt giá cao hơn nên bán không chạy.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một sạp hàng bán thực phẩm Tết dọc đường khu chợ Bình Tây, những giỏ hàng bánh kẹo và mứt được bày ra rất bắt mắt nhưng khi hỏi về nguồn gốc thì người bán chỉ cười và nói: “Đây đều là bánh nhập khẩu của Đài Loan được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ như bánh ngàn lớp, bánh cuộn sầu riêng, bánh mochi,… Các loại bánh này có giá phải chăng từ 60.000 - 80.000 đồng/kg”.
|
Ngoài mẫu mã và màu sắc bắt mắt, một số loại bánh kẹo không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày biện trên kệ quầy. |
Trong khi đó, các tiểu thương trong chợ lại cho rằng, COVID-19 khiến việc nhập hàng từ nước ngoài về cũng gặp khó khăn, việc cân đối giá cả sẽ bị ảnh hưởng và họ chọn giải pháp an toàn là chỉ tập trung các loại bánh mứt bán chạy hằng năm.
Quan sát các loại bánh này được bán phía ngoài khu chợ, ngoài bao bì đơn sơ là có gói ni-lon, còn lại không có thùng hộp, tên đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thời gian sử dụng cũng như thành phần nguyên liệu.
Do đó, việc xác định rõ nguồn gốc của các loại bánh, mứt Tết tràn lan trên thị trường như hiện tại là điều rất khó khăn đối với người tiêu dùng và rất dễ mua phải hàng có xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng.