Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ngoại trừ nguyên nhân mang tính chu kỳ, yếu tốt pháp lý là một trong những nguyên nhân lớn tác động đến cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm bất động sản. Đặc biệt, là sự đỗ vỡ của Condotel. Tiếp đó, thị trường bất động sản Đà Nẵng chịu thêm “đòn COVID-19” khi toàn bộ ngành du lịch, dịch vụ gần như đóng cửa.
Giao dịch trầm lắng, giá giảm
Theo DKRA Vietnam, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, thị trường Đà Nẵng chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí gần như ngủ đông, đặc biệt với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Ghi nhận của DKRA cho thấy, trong năm 2020, phân khúc đất nền Đà Nẵng chỉ đón nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 183 nền, chỉ bằng 3% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 57% (104 nền), tương đương gần 2% lượng tiêu thụ năm 2019.
Thị trường đất nền Đà Nẵng hiện có hơn 11 dự án đang bán hàng, hầu hết là các đợt mở bán tiếp theo của dự án đã mở bán trước đó, với khoảng 1,092 nền. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 63% (686 nền), một số dự án tọa lạc vị trí trung tâm thành phố với hạ tầng hiện hữu nhưng do thời điểm mở bán lúc dịch bệnh tái bùng phát vào tháng 8/2020 nên tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng.
Nguồn cung đất nền ở Đà Nẵng chủ yếu tập trung ở quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn. Giao dịch thứ cấp kém sôi động, giá bán thứ cấp giảm trung bình khoảng 5% - 10%. Một số dự án thuộc khu đô thị Tây Bắc – quận Liên Chiểu hay KĐT Nam Hòa Xuân – quận Ngũ Hành Sơn giảm còn mạnh hơn, đến 15 – 20%, tuy nhiên thanh khoản cũng rất hạn chế.
Trước tình hình dịch bệnh và khó khăn của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh giá bán sơ cấp, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Còn ở phân khúc căn hộ tiếp tục ghi nhận sự khan hiếm, toàn thị trường đón nhận nguồn cung căn hộ mới đến từ 4 dự án mở bán, cung cấp khoảng 500 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 53% (263 căn). Tuy nguồn cung căn hộ mới tăng khoảng 3% so với năm trước, nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ bằng 69% năm 2019.
Nguồn cung mới tập trung ở quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà. Sức mua của thị trường thấp, tình hình tiêu thụ các dự án mới khá chậm. Những dự án đã mở bán trước đây có lượng tồn kho 386 căn. Giao dịch thứ cấp kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá bán ở một số dự án, kể cả giá sơ cấp và giá thứ cấp.
Về phân khúc nhà phố - biệt thự - shophouse, gần như không có dự án mới mở bán, giao dịch trên thị trường chủ yếu là nguồn cung sơ cấp còn lại của dự án đã mở bán trước đó. Toàn thị trường trong giai đoạn 2017 - 2020 ghi nhận nguồn cung khoảng 725 căn, tỷ lệ tiêu thụ qua các năm đạt khoảng 73% (529 căn).
Riêng thị trường biệt thự biển Đà Nẵng rơi vào trạng thái trầm lắng, sức cầu thị trường thấp và không ghi nhận nguồn cung mới.
Về phân khúc condotel, ghi nhận có 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 172 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 88% nguồn cung mới (khoảng 151 căn). Sức tiêu thụ chung toàn thị trường ở mức rất thấp, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Đóng băng bao lâu?
Dù bức tranh thị trường hiện tại rất ảm đạm nhưng các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ sớm phục hồi.
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng về yếu tố hạ tầng, phát triển kinh tế và những lợi thế về du lịch, cảnh quan. Hạ tầng đô thị tại đây được đầu tư khá đồng bộ, xứng danh là nơi đáng sống nhất Việt Nam. Thị trường Đà Nẵng vẫn có nhiều cơ hội và nhà đầu tư đang mong chờ sự thay đổi.
Điều này chưa kể mới đây Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống".
Thực tế trên cho thấy, các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng không thể đóng băng lâu được. Bởi, thành phố này còn rất nhiều tiềm năng và luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể nói rằng, sự khủng hoảng trong thời gian qua chính là điểm dừng cần thiết để Đà Nẵng điều chỉnh lại thị trường với các chính sách mới, sẵn sàng cho quá trình phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm như mở rộng cảng Liên Chiểu, càng Tiên Sa, tuyến đường sắt đô thị nối Đà Nẵng với Hội An, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị,...
Các yếu tố về hạ tầng sẽ hỗ trợ cho tất cả các phân khúc bất động sản tăng trưởng, từ bất động sản công nghiệp, nhà ở, căn hộ, cho tới đất nền, biệt thự - nhà phố,...
Chưa kể bộ máy chính quyền mới tại Đà Nẵng đã và đang có nhiều động thái tích cực tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp. Điển hình là việc Đà Nẵng mạnh dạn hỗ trợ để điều chỉnh quy hoạch dự án Cocobay, chuyển đổi từ căn hộ du lịch- khách sạn (Condotel - không hình thành đơn vị ở) sang căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề được hình thành đơn vị ở…
Sự chuyển đổi này đã mở đường, tháo gỡ khó khăn cho phân khúc Condotel đang đóng băng thời gian qua. Các tòa chung cư sau chuyển đổi của dự án Cocobay Đà Nẵng sẽ sớm được mở bán, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như người mua để ở.
Với việc được cấp sổ đỏ, các căn hộ ven biển này được dự báo sẽ làm ấm lên thị trường bất động sản Đà Nẵng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và bão lụt.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đã không còn “sóng ảo” như thời gian trước, giá bất động sản sẽ ổn định tạo môi trường cho những nhà đầu tư lâu dài.