Với hơn 160 loại vaccine COVID-19 đang được phát triển trên toàn cầu, chính phủ các nước đang tiến hành các thoả thuận với những công ty dược phẩm để có được những lô vaccine đầu tiên.
Vaccine ngừa COVID-19 là hy vọng duy nhất cho các quốc gia để có thể mở cửa trở lại nền kinh tế, vốn đã bị “đóng băng” bởi dịch bệnh, khi thương mại bị gián đoạn, thành phố bị phong toả và biên giới bị ngăn cách.
Một loại vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm tại Brazil mang tên China’s SinoVac. Ảnh: Reuters |
Singapore chọn cách tài trợ cho công ty Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics của Mỹ, để đảm rằng họ sẽ là người đầu tiên sở hữu bất kì loại vaccine nào được nghiên cứu thành công.
Hiện Arcturus Therapeutics đã hợp tác với trường Đại học Y Duke thuộc Đại học quốc gia Singapore (NUS). Cả hai đang trong giai đoạn thử nghiệm vaccine trên người, với mục tiêu sản xuất 30 triệu liều vaccine một mũi, theo Bloomberg.
Ông Ooi Eng Eong, Phó Giám đốc phụ trách dự án nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới của NUS cho biết, số lượng liều vaccine được sản xuất trong lô đầu tiên có thể vượt quá nhu cầu hiện tại của Singapore, do đó nó có thể được phân phối sang cả những nước khác.
Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản đã chắc chắn có được nguồn vaccine tiềm năng từ những tập đoàn dược phẩm như AstraZeneca và Pfizer. Ấn Độ lại chọn một con đường khác đó là tự nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 của riêng mình.
Quốc gia nào sẽ dẫn đầu trong cuộc đua vaccine COVID-19?
Trung Quốc - tâm chấn đầu tiên trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19, là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua vaccine toàn cầu.
Trong tháng 7, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, một loại vaccine do công ty CanSino Biologics có trụ sở tại TP Thiên Tân kết hợp với quân đội nước này phát triển, đã cho một số kết quả đầy hứa hẹn trong việc thử nghiệm sớm trên người.
Mặc dù chưa triển khai thử nghiệm giai đoạn 3, nhưng Bắc Kinh cho biết, loại vaccine mới có đủ điều kiện để quân đội Trung Quốc sử dụng, nếu cần. Điều đó đó có nghĩa rằng, CanSino Biologics là công ty đầu tiên trên thế giới có vaccine ngừa COVID-19 được phép sử dụng trong phạm vi hạn chế.
Các doanh nghiệp Trung Quốc khác bao gồm Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh và tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Sinopharm cũng đang khởi động thử nghiệm giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trước khi đưa vào sản xuất đồng loạt.
Ở những nơi khác, vaccine ngừa COVID-19 do công ty sinh học Moderna của Mỹ phát triển cũng đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Thuỵ Sĩ sắp kí một thoả thuận với Moderna, đảm bảo họ cũng sẽ nhận được vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn này phát triển, nếu thành công.
Vaccine COVID-19 của Moderna đang được thử nghiệm trên người. Ảnh: Bloomberg |
Nga cũng đang hi vọng đưa hai loại vaccine ra thị trường vào cuối năm nay. Một loại do Viện nghiên cứu Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng phát triển và loại còn lại do Phòng nghiên cứu nhà nước Vector có trụ sở tại Siberia nghiên cứu chế tạo.
Theo hãng tin địa phương, Gamaleya đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine của mình. Bộ trưởng Bộ Y tế Nga còn khẳng định chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trong tháng 10 đã được Nga lên kế hoạch.
Ngày hôm qua, Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới công bố đã có vaccine COVID-19.
Các quốc gia châu Á sẽ chọn loại vaccine nào?
Tại châu Á, một số quốc gia đã chọn loại vaccine do Trung Quốc sản xuất hoặc hợp tác phát triển với một hãng dược phẩm đến từ đại lục. Số khác lại ưu tiên sử dụng loại vaccine do những nhà sản xuất thuốc phương Tây làm ra.
Nằm ở vị trí đầu tiên là Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma đã bắt tay với Sinovac của Trung Quốc để phát triển một loại vaccine mới, kể từ tháng 4. Họ sẽ triển khai kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối tháng này, và nếu thành công nó có thể mang về 250 triệu liều vaccine mỗi năm.
Philippines, quốc gia đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, cũng đang để mắt tới vaccine do Trung Quốc sản xuất. Tháng trước, Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng ông ấy đã đề nghị người đồng cấp Tập Cận Bình để giúp Philippines được ưu tiên tiếp cận sớm với nguồn vaccine COVID-19.
Philippines hiện có hơn 112.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và dự báo sẽ sớm vượt qua Indonesia về số ca nhiễm COVID-19, trở thành quốc gia có số người nhiễm bệnh nhiều nhất Đông Nam Á.
Đang có hơn 160 loại vaccine COVID-19 được nghiên cứu trên thế giới. Ảnh: Reuters |
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin của Malaysia tuần trước cũng đã nói chuyện với Trung Quốc, bày tỏ sự quan tâm về việc được tiếp cận sớm với nguồn vaccine do nước này sản xuất. Mặc dù vậy, ông Khairy Jamaluddin cho biết, Malaysia cũng đã xem xét các lựa chọn khác đến từ Anh hoặc Mỹ.
Những quốc gia khác, bao gồm Singapore đang hợp tác với công ty Mỹ. Pfizer và BioNTech đã đồng ý cung cấp cho Nhật Bản 120 triệu liều vaccine COVID-19 thử nghiệm của họ trong nửa đầu năm 2021.
Tổng thư kí Uỷ ban Vaccine quốc gia Thái Lan Siriroek Songsivilai gợi ý rằng, nước này có thể sử dụng sản phẩm của Pfizer. Ước tính, loại vaccine do Pfizer sản xuất có giá từ 620 baht, tương đương 450.000 đồng/liều.
Mặt khác, Thái Lan đang hướng tới mục tiêu sản xuất vaccine của riêng mình, sẽ sẵn sàng sử dụng vào cuối năm 2021.
Theo Kavitha Hariharan, Giám đốc xã hội tại Marsh & McLennan Advantage cho biết, an toàn và hiệu quả là hai yếu tố hàng đầu quyết định xem nên chọn loại vaccine nào. Ngoài ra, giá thành cũng là một yếu tố không thể bỏ qua, đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển với dân số cao và mức chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ trên đầu người tương đối thấp.
Ông Jeremy Lim - PGS tại Trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock của ĐH Quốc gia Singapore nói thêm rằng, lý do địa chính trị cũng có thể tác động đến quyết định lựa chọn vaccine của một số quốc gia.
Leong Hoe Nam, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Singapore cho biết: “Nếu bạn nhìn vào Philippines và Malaysia, sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại đó là tương đối mạnh mẽ. Trung Quốc đã trợ cấp nguồn vật tư y tế cho họ, do đó khả năng cao là những quốc gia đó sẽ chọn mua vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Vị chuyên gia cũng nói thêm rằng, năng lực sản xuất vaccine cũng đóng vai trò quan trọng, bởi cầu có thể vượt cung tại một số quốc gia.
Những nghi ngờ về chất lượng vaccine do Trung Quốc hay Nga sản xuất
Tuần trước, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci khẳng định, không có khả năng Mỹ sẽ sử dụng vaccine do Trung Quốc hay Nga phát triển, với lí do hệ thống quản lí của họ không minh bạch so với phương Tây.
“Tôi hi vọng rằng người Trung Quốc và người Nga thực sự đang thử nghiệm vaccine trước khi họ tiêm cho bất kì ai”, Anthony Fauci nói trong một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào ngày 31/7.
Chuyên gia y tế Leong giải thích rằng, một phần lí do của những nghi ngờ về vaccine do Trung Quốc sản xuất có thể đến từ “hình ảnh truyền thông xấu” mà các công ty Trung Quốc đã tạo ra trong những năm gần đây, với việc sản xuất vaccine “kém chất lượng và không hiệu quả”.
Chẳng hạn, vào năm 2018, nhà sản xuất thuốc Changchun Changsheng đã vi phạm các tiêu chuẩn khi sản xuất hàng trăm nghìn liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà để tiêm cho 200.000 trẻ em. Tuy nhiên, số vaccine này lại bị lỗi và trong một số trường hợp gây tê liệt cho trẻ.
Vaccine COVID-19 của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển. Ảnh: AFP |
Về phía Nga, ông Leong cho biết những lo lắng về chất lượng vaccine đến từ việc nước này quá thiếu thông tin về việc phát triển vaccine. Trong khi tại các quốc gia khác, kết quả thử nghiệm vaccine được công bố rộng rãi, cho phép các nhà nghiên cứu và khoa học đánh giá kĩ lưỡng về chất lượng sản phẩm.
Thách thức cho tiêm chủng diện rộng
Giám đốc Hariharan tại Marsh & McLennan nói rằng, một thách thức lớn là làm sao thuyết phục được một số lượng lớn người dân đi tiêm chủng.
“Một thách thức khác đến từ khả năng chi trả. Việc nhà nước đồng thanh toán hoặc người dân phải chi trả hoàn toàn có thể sẽ khiến nhiều người từ bỏ ý định tiêm chủng”, Hariharan nói.
Ông Kavitha cho biết, Gavi sẽ hạ giá thành vaccine đối với các quốc gia có thu nhập thấp, đồng thời cho biết thêm rằng liên minh cũng đã giới thiệu Covax - một dự án tài trợ cho vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Chuyên gia y tế Leong tại Singapore lại cho rằng, Chính phủ các nước nên chi trả phần lớn chi phí tiêm vaccine. Ông đề nghị những người khá giả, từ tầng lớp trung lưu trở lên nên chi trả một phần cho vaccine ngừa COVID-19.
Lim, Giáo sư tại ĐH Quốc gia Singapore nói thêm, việc điều phối vaccine sẽ là thách thức đối với mọi quốc gia. Trong khi Singapore đã triển khai tiêm chủng hàng loạt, chẳng hạn như với bệnh cúm H1N1 vào năm 2009, thì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác không có kinh nghiệm tương tự.
Ông Lim cho biết các chuyên gia y tế, nhân viên tuyến đầu và những đối tượng người dân dễ bị nhiễm bệnh nhất có thể sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng.