Việc sử dụng các biện pháp ép chín trái cây hiện nay là khá phổ biến. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn trái cây an toàn ở cửa hàng uy tín, theo kinh nghiệm của chính mình để mua được những sản phẩm chất lượng.
Sau đây là vài loại trái cây quen thuộc đang vào vụ mùa được bày bán ở khắp các vỉa hè, khu chợ, siêu thị,... mà chúng ta những người tiêu dùng thông minh nên cẩn thận lựa chọn một cách an toàn để đảm bảo sức khỏe chính bản thân và gia đình.
Chuối
Chuối là loại quả dễ trồng, tuy nhiên, chuối chín tự nhiên thường chín không đều, màu không đẹp. Do đó, nhiều tiểu thương vẫn ngâm hoặc tẩm chuối với amoniac hay sulfur dioxide nhằm ép chuối chín đều, vàng đẹp.
Tuy nhiên, khi ngâm hay tẩm, chuối chỉ chín phần vỏ ngoài, phần thịt quả thường không ngọt, vị chát. Không chỉ vậy, các chất hoá học thường dùng để ngâm hoặc tẩm chuối có thể gây hại cho hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng gan và thận của người ăn.
Cách nhận biết:
Chuối chín tự nhiên thường có vỏ ngoài chín không đều, màu sắc chín chỗ đậm chỗ nhạt và có mùi thơm đặc trưng (thơm đậm, sực và khó chịu nếu chín quá).
Trường hợp chuối bơm hóa chất cũng có thể chín không đều, nhưng bên trong vẫn có chỗ bị sượng, hạt non, cuống không tươi, mục, thâm đen và mùi không thơm dịu.
Ngoài ra, khi sờ vào quả chuối chín tự nhiên sẽ có cảm giác mềm đều, bấm tay vào có độ đàn hồi nhẹ, không cứng, rắn như chuối ngâm hóa chất.
Chuối chín tự nhiên có da căng tròn, màu vàng đậm, mềm, vỏ thường có đốm màu nâu, đen. Hơn nữa, nải chuối chín thường lác đác quả không đều nhau.
Trong khi đó, chuối chín ép do thuốc vỏ thường có màu vàng rất sặc sỡ, bắt mắt, vỏ mịn, nắn nhẹ thấy vẫn hơi cứng, sượng tay. Đặc biệt, chuối có hóa chất chín đều cả nải nhưng cuống vẫn còn xanh.
Dưa hấu
Dưa hấu thường phải phun nhiều thuốc trừ sâu. Dưa hấu thu hoạch trước thời hạn hết thuốc trừ sâu sẽ chứa một dư lượng thuốc trừ sâu độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người tiêu dùng. Không chỉ vậy, với những trái dưa hấu chín ép, vỏ ngoài thường đẹp nhưng ruột bên trong lại có mùi, ở giữa bị ủng, ăn không ngon.
Cách nhận biết:
Nhìn vỏ: Dưa hấu ngon, an toàn có vỏ trơn bóng, hoa văn rõ ràng, đường vân sắc nét, dưới đáy hơi vàng. Ngược lại, dưa hấu tiêm hóa chất ép chín nhanh còn có lớp lông nhung bên ngoài, vỏ sẫm màu, hoa văn mờ nhạt vì chưa chín.
Vỗ thử: Dùng ngón tay úp ngược gõ vào trái dưa hấu. Nếu âm thanh phát ra tiếng bộp bộp thì phần nhiều là các chị đã chọn được quả dưa ngon. Nếu không nghe tiếng thì có khả năng là dưa non hoặc bị úng nước.
Nhìn cuống dưa: Dưa mới thu hoạch thường có cuống tươi mới, nếu cuống chuyển màu nâu đen, xoắn lại, giòn và dễ gãy là dưa thu hoạch đã lâu. Các mẹ nhớ hạn chế mua dưa cuống đã héo hoặc khô.
Nhìn 2 đầu dưa: Quả dưa chín tự nhiên sẽ có 2 đầu khá cân xứng, nhưng 1 quả dưa tiêm thuốc sẽ bị bất cân xứng, đầu này to đầu kia lại quá nhỏ. Ở chỗ cuống dưa hơi lõm vào bên trong 1 chút.
Chôm chôm
Mùa hè là thời điểm nở rộ của nhiều loại trái cây tươi ngon, trong đó có chôm chôm. Ít ai biết rằng, loại trái cây này rất giàu vitamin C, chứa các dưỡng chất tốt cho cơ thể như sắt, protein, đồng, kali…
Nhờ đó, chôm chôm giúp bổ sung năng lượng, loại bỏ độc tố và chất thải trong thận, làm đẹp da, kích thích các tế bào máu. Tuy nhiên, chôm chôm cũng là một trong những loại trái cây thường có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại 'đội lốt' hàng Việt.
Cách nhận biết:
Vỏ: Nếu là chôm chôm bị chín ép, cành cây và lá vẫn tươi, trong khi vỏ chôm chôm, nhất là các gai nhỏ trông héo hon, không được tươi xanh như chín cây tự nhiên
Thông thường, chôm chôm chín trên cây, gai nhỏ vẫn còn tươi và khỏe, sau 2 - 3 ngày hái xuống không hề bị héo.
Cùi: Khi bạn tách đôi trái, nước bên trong sẽ chảy ra rất nhiều. Ngoài ra, lớp ruột bên trong bị vữa thì đó là chôm chôm chín ép. Bạn cũng không nên chọn những quả có cùi màu ố vàng vì đó là chôm chôm đã bị hỏng.
Muốn chọn chôm chôm ngon, bạn chỉ nên chọn những quả có cùi dày và màu trắng đục, không có màu bất thường.
Mùi vị: Chôm chôm chín ép có vị nhạt, đôi khi bị chua. Còn chôm chôm chín tự nhiên thì có vị ngọt mát, thơm ngon.
Bạn cũng cần lưu ý mùa chôm chôm thường chỉ kéo dài trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Khi sang tầm tháng 8 dương lịch là chôm chôm trái vụ, dễ bị sâu ở phần cuống. Do vậy, hạn chế mua trong thời điểm này.
Sầu Riêng
Dù có lớp vỏ rất dày, nhưng giống như nhiều loại quả khác, sầu riêng không tránh được “số phận” bị ngâm tẩm hoá chất để ép quả chín đều. Hoá chất ngâm tẩm sầu riêng thường có xuất xứ từ Trung Quốc, không có nhãn mác, cảnh báo hay hướng dẫn sử dụng kèm theo.
Cách nhận biết:
Những quả sầu riêng có bỏ bị nứt, chỉ cần dùng tay ấn vào để cảm nhận phần thịt bên trong.
Nếu múi thịt cứng, không có độ mềm mại, có màu vàng nhợt nhạt hoặc trắng, khi lấy tay ra thấy có màu vàng như vừa sờ vào thuốc nhuộm thì đó là sầu riêng đã nhúng qua thuốc.
Còn nhấn vào cảm giác được độ mềm dẻo cùng màu vàng tươi óng ánh của múi thịt thì đó là sầu riêng chín cây và không qua hóa chất.
Với những quả không bị nứt vỏ, bạn quan sát khắp các bề mặt nếu thấy có vương một chút bột vàng trên vỏ hoặc ngay phần cuống có bột màu cam thì rất có thể đó là những quả sầu riêng đã tẩm hóa chất và còn đọng lại ở bên ngoài.
Mít
Mít là một loại trái cây rất phố biến, được nhiều người sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng ít ai biết được trong những trái mít thơm ngon, múi mít vàng tươi đã được tẩm rất nhiều hóa chất độc hại để nhanh chín, giữ được lâu, đem lại lợi nhuận cao.
Cách nhận biết:
Kiểm tra kỹ vỏ ngoài quả mít vì mít có vỏ dày, nếu muốn tác động vào loại quả này để làm chín, thường người ta phải “đục, khoét” trái. Vì vậy, người mua cần tránh chọn những quả đã có dấu hiệu đục, khoét.
Miếng mít cắn ra cảm giác sượng, có những dòng mủ trắng chảy ra từ trong ruột mít, do tác động của thuốc.
Mít chín ép không có mùi thơm, màu vàng đều nhau; gai mít nhọn, cứng và dày.
Tránh mua các loại mít rẻ, bày bán tràn lan và không đảm bảo vệ sinh.
Dừa
Dừa là thứ nước giải khát được nhiều người yêu thích, hầu hết mọi người đều yên tâm khi uống nước dừa vì cho rằng đây là loại quả an toàn, không bị dùng hóa chất, hay chất kích thích như các loại hoa quả thông thường. Tuy nhiên, nhiều người bán dừa muốn giữ được tươi lâu và không bị vàng ố nên dùng thuốc tẩy để ngâm dừa.
Cách nhận biết:
Dừa tươi khi đã chặt vỏ sẽ để lộ ra phần cùi màu trắng, tuy nhiên chỉ cần để một thời gian ngắn là phần cùi đó sẽ chuyển sang màu thâm đen do nhựa chảy ra hoặc màu vàng nâu chứ không thể nào có màu trắng tinh được.
Hơn thế, ngay cả dừa tươi khi mới chặt phần vỏ xanh ở ngoài cũng không thể có màu trắng tinh như dừa ngâm hóa chất được. Dừa ngâm hóa chất, nhìn cái là nhận ra ngay, phần vỏ dừa luôn có màu trắng tinh, bóng đẹp, không một vết ố vàng.
Nếu ngửi thử, vở dừa sạch sẽ có mùi thơm tự nhiên của dừa, tuy nhiên dừa đã ngâm qua hóa chất sẽ bị mất đi mùi thơm tự nhiên thay vào đó là có mùi lạ của hóa chất.