Nổi bật nhất là nội dung "cấm các công ty tài chính gọi điện người thân khách hàng để nhắc nợ".
Các công ty tài chính chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày, thời gian nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ. |
Cụ thể, các công ty tài chính chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày, thời gian nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ. Biện pháp đôn đốc, nhắc nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các biện pháp đe dọa với khách hàng.
Ngoài ra, không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin đòi nợ của khách hàng đến với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Trước khi ký hợp đồng chính thức với khách hàng, công ty tài chính phải cung cấp dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này.
Lần đầu tiên các khiếu nại về tài chính, bảo hiểm, ngân hàng gửi đến Cục Cạnh tranh nhiều nhất từ trước đến nay. (Đồ hoạ: Quốc Minh). |
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, rất nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ, thậm chí đe dọa, khủng bố. Có những trường hợp mặc dù đã thông báo về việc gọi nhầm, đề nghị các công ty tài chính kiểm tra thông tin nhưng các thuê bao này vẫn tiếp tục bị nhắc nợ. Không ít khách hàng phải nhận cả chục cuộc gọi/ngày, trong suốt nhiều tháng liền.
Trước tình trạng phức tạp của hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước quyết định ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó quy định rõ hơn về hoạt động nhắc nợ, đòi nợ nhằm hạn chế tình trạng trên.
Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hơn 7.000 khiếu nại của người tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm 2019. Trong đó, ngành bị khiếu nại nhiều nhất, chiếm đến 40,37% là nhóm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.