Liên tục nhiều vụ mất tiền tỷ
Ngày 6/11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận có thông báo khẩn đề nghị một số ngân hàng phong tỏa các tài khoản có liên quan đến một nhóm lừa đảo tiền tỷ. Trước đó, vào trưa ngày 5/11, bà C. (ngụ P.Phú Trinh, TP Phan Thiết, Bình Thuận) nhận được cuộc gọi tự xưng là công an, thông báo bà C. có liên quan đến một vụ đánh bạc, buôn bán ma túy tại Đà Nẵng.
Sau đó, bà C. liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi khác tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra, rồi yêu cầu bà C. thống kê gấp tài sản gồm tiền, vàng, nhà đất để họ đối chiếu vì nhóm tội phạm đánh bạc vừa chuyển vào tài khoản bà C. 6 tỷ đồng.
“Bọn chúng kêu tôi phải khẩn trương rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng và chuyển vào một tài khoản khác để được bảo vệ. Nếu không thực hiện thì tất cả tiền bạc, đất đai, nhà cửa sẽ bị phong tỏa trước 17 giờ chiều cùng ngày” – bà C. kể lại.
Vì quá lo sợ, bà C. đã đến ngân hàng chuyển từ tài khoản của mình sang tài khoản nhóm trên 2,2 tỷ đồng. Vừa chuyển xong, bà C. tiếp tục nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển thêm tiền để bảo vệ quyền lợi cho bà C. Ngay lập tức bà C. đến một ngân hàng khác để làm thủ tục chuyển 1 tỷ đồng nữa thì được người quen phát hiện và ngăn cản kịp thời.
Mặc dù chiêu thức lừa đảo này không mới nhưng liên tiếp có nhiều nạn nhân mất hàng tỷ đồng như bà C. Vào ngày 11/10 vừa qua, Công an TP.HCM cho biết đang xác minh đơn trình báo của bà N.V.Q (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) về việc mất 11 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi nhận được cuộc gọi điện thoại thông báo bà Q. có liên quan đến một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Nhóm người này cũng tự xưng là công an điều tra, yêu cầu bà Q. cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu để phục vụ điều tra. Sau khi bà Q. cung cấp thông tin hai tài khoản ngân hàng Sacombank và Techcombank thì không lâu sau đó số tiền 11 tỷ đồng trong tài khoản đã “không cánh mà bay”.
Người dân còn tâm lý “được ăn cả, ngã về không”
Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, ngoài hình thức gọi điện mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm soát, còn rất nhiều nạn nhân khác bị lừa đảo qua các trang mạng xã hội facebook, Zalo, Viber để làm quen, hứa gửi tiền hàng có giá trị rồi yêu cầu chuyển tiền chiếm đoạt; gọi điện nhắn tin thông báo trúng giải thưởng lớn rồi yêu cầu nộp tiền…
Đặc biệt, gần đây, nổi lên chiêu thức đối tượng gọi điện thoại cho người bị hại thông báo là người của các Công ty xổ số đang thực hiện việc triệt phá các tụ điểm ghi số lô đề trái phép, đề nghị người bị hại phối hợp.
Công ty xổ số sẽ bỏ tiền, còn người bị hại chỉ đi ghi hộ và sẽ trích thưởng thỏa đáng nhưng sau đó chúng tạo cớ không đến được đề nghị người bị hại bỏ tiền ghi hộ; nếu kết quả đúng số lô đề mà chúng cho thì sẽ đề nghị người bị hại bỏ tiền thỏa thuận và xem xét cho người bị hại ghi số tiếp tục nếu trúng thì đối tượng vẫn liên lạc, nếu không sẽ bỏ sim và chiếm đoạt số tiền người bị hại đã chuyển đến.
Với các hình thức lừa đảo trên, mặc dù cơ quan Công an đều đưa ra các cảnh báo. Thậm chí, Công an TP.HCM còn nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm qua mạng xã hội bằng cách xây dựng nhóm Zalo, Facebook kết nối điện thoại di động cá nhân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống các loại tội phạm. Thế nhưng thực tế vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy từ các thủ đoạn này.
Lý giải nguyên nhân, ông Võ Đỗ Thắng – giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena cho rằng, các thông tin cảnh báo của cơ quan Công an, các công ty viễn thông chỉ tập trung tại các thành phố lớn, chưa sâu rộng đến đại đa số người dân, nhất là những người nông dân, nội trợ, người lớn tuổi ở các tỉnh thành, vùng ven.
Trong khi đó, các đối tượng trước khi ra tay đều tìm hiểu kỹ thông tin nạn nhân, từ nơi ở, mối quan hệ xung quanh, thông tin tài khoản ngân hàng… để tăng thêm tính thuyết phục. Nếu nạn nhân chưa từng tiếp cận được các cảnh báo từ cơ quan chức năng thì khi nhận được những cuộc gọi này rất dễ mất cảnh giác và thực hiện theo yêu cầu của bọn tội phạm.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia cao cấp tài chính ngân hàng cho biết thêm, hình thức cảnh báo của ngân hàng đến khách hàng vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, chỉ sau khi có nạn nhân gọi lên số tổng đài ngân hàng phản ánh thì các ngân hàng mới phát đi cảnh báo, có ngân thì gửi email nhưng có ngân hàng chỉ đăng thông tin lên website ngân hàng – trong khi đó không phải khách hàng nào cũng thường truy cập vào các website này.
Cũng từng có chi nhánh một ngân hàng nhà nước trên đường CMT8, tại Q.3, TP.HCM dán cảnh báo của Công an về các trường hợp nạn nhân bị lừa đảo trên địa bàn quận. Thế nhưng thay vì dán cảnh báo tại quầy giao dịch thì lại dán trên… cột nhà. Thời gian dán thông báo chưa đầy nửa tháng đã gỡ xuống.
“Trong khi đó các hình thức lừa đảo của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, luôn nghĩ ra nhiều thủ đoạn mới và đánh trúng tâm lý của mộ số người. Cạnh đó vẫn có một số người dân nhẹ dạ, cả tin và hám lợi, ngày càng có nhiều người chấp nhận rủi ro với suy nghĩ “được ăn cả, ngã về không” giống như kiểu chơi lô, đề nên càng tạo điều kiện cho bọn tội phạm ra tay.
Quan trọng nhất là pháp luật xử lý chưa nghiêm minh, trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng xử lý chậm, có những quy định chưa phù hợp. Ví dụ, lừa đảo từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự nên những kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ và tiếp tục thực hiện hành vi của mình” – tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ nói.