CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng vừa chia sẻ suy nghĩ của mình về những bình luận, tin bài mang hướng xấu cho dòng điện thoại của mình. Ông Quảng đặt câu hỏi: “Bạn có thấy Bphone đang bị "đánh" thậm tệ và dai dẳng?”.
Việc “đánh” Bphone là có tổ chức?
Cụ thể, CEO Bkav cho rằng, có một số cá nhân đã nhận tiền của “thương hiệu điện thoại nước ngoài” liên tục tung tin bài, để lại bình luận có ý xấu cho dòng điện thoại Bphone. Ông Quảng khẳng định, đây là hành động “nhằm phá hoại nền công nghiệp smartphone của Việt Nam”.
Theo ông, năm nay dòng Bphone B86 bán tốt. “Màn ra mắt đã khẳng định chất lượng và các khả năng công nghệ của Bphone thì biểu hiện bị ‘đánh’ càng rõ rệt. Liên tục các trò bẩn đã được tung ra trong thời gian gần đây”, ông nói.
Một bài đăng tố Bphone chụp lén ảnh người dùng trên một nhóm công nghệ nổi tiếng. Ảnh chụp màn hình |
CEO Bkav lấy ví dụ về việc gần đây, một tin vu khống Bphone lén lút chụp ảnh gửi ra ngoài được lan truyền khắp các diễn đàn, kênh đánh giá về công nghệ. Một trang thông tin điện tử về công nghệ có bài viết, không ít người dùng Bphone phát hiện ra điện thoại của mình tự động truy cập vào camera để chụp ảnh mà không có sự cho phép của người dùng.
“Những hình ảnh sau khi chụp sẽ được lưu trong một tệp tin khó có thể tìm thấy và được ẩn đi. Bình thường khi chúng ta kiểm tra tệp tin bằng các thao tác thông thường không thể phát hiện ra. Bạn cần phải chuyển sang xem các tệp bị ẩn mới có thể thấy sự xuất hiện của tệp tin này”, trang tin viết về lỗ hỏng này.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tử Quảng, ảnh này được tạo ra khi người dùng vào mục Cài đặt camera, máy sẽ lấy hình ảnh trên cửa sổ preview của camera dùng làm hình nền mờ (blur) của giao diện cài đặt. “Tệp tin ảnh nói trên không được dùng cho bất kỳ mục đích nào khác”, ông khẳng định.
Việc ghi lại hình ảnh trên ứng dụng camera của Bphone là để dùng làm ảnh nền phần cài đặt. Ảnh chụp màn hình |
“Việc ‘đánh’ Bphone trong nhiều năm nay là có tổ chức”, vị này nhấn mạnh. Bkav nêu rõ, nhóm người này còn tạo hẳn một chatbot để tự động bình luận 24/24 trên các diễn đàn, các bài báo “để nói xấu Bphone”.
Bằng công nghệ của mình, Bkav cho biết, công ty đã theo dõi và phát hiện “đối thủ” sử dụng truyền thông gián tiếp thông qua cách đưa tin thông thường về Bphone, nhưng đã thay đổi một số câu chữ để làm sai bản chất nội dung các phát biểu của Bkav và của CEO Nguyễn Tử Quảng.
Sau khi thay đổi nội dung, các đối tượng tung lên các trang cộng đồng. Theo ông Quảng, làm như thế nhiều lần, nội dung sai cũng sẽ trở thành thật. Cũng theo cách này, ông còn cho rằng, các đối tượng xúc phạm cá nhân ông một cách thậm tệ.
Bkav sẽ khởi kiện những người “ném đá”
Ngoài nghi vấn chụp lén người dùng, không ít bài viết trên mạng xã hội gần đây phàn nàn về tình trạng Bphone tự động gửi tin nhắn. Đại diện của Bkav cho biết các tin nhắn tự động gửi là của tính năng bảo mật Bkav Mobile Security. Khi người dùng thay đổi sim, hệ thống sẽ tự động gửi SMS lại để xác thực, nhưng có một số trường hợp gặp lỗi phát sinh từ nhà mạng khiến tin nhắn bị gửi đi gửi lại nhiều lần.
“Bkav đều liên hệ để gửi lại phí dịch vụ tin nhắn cho người dùng”, công ty khẳng định.
Ông Nguyễn Tử Quảng nói thêm: “Mỗi chiến dịch đều được chúng dùng rất nhiều người đăng bài, làm clip, bình luận khắp nơi. Không những thế, nhiều người và có cả các kênh đánh giá, diễn đàn và báo cũng vô tình hùa theo bọn chúng ‘ném đá’ sản phẩm nước nhà”.
Theo CEO Bkav, việc này ảnh hưởng đến công chúng. Công chúng từ đó mà theo phong trào để bài xích điện thoại Bphone.
Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định sẽ kiện các tổ chức, cá nhân đã đưa thông tin, bình luận sai sự thật. Ảnh: Thietbicongnghe |
Ông Tử Quảng khẳng định: “Chúng tôi đang điều tra và sẽ có những biện pháp thích hợp”. Áp dụng Luật An ninh mạng, ông cho biết, Bkav đang thực hiện thủ tục để kiện các tổ chức, cá nhân đã đưa thông tin, bình luận sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Tháng trước, Bphone B86 cũng “dính phốt” khi không có chứng chỉ Play Protect từ Google. Theo đó, máy không thể cài được các ứng dụng đòi hỏi về bảo mật, bản quyền cao dù vẫn có chợ Play Store.
Theo Bkav, công ty đã ký thỏa thuận MADA với Google từ năm 2015 và được gia hạn đến năm 2017. Tuy nhiên, sau đó Google thay đổi chính sách, chỉ ký trực tiếp với các nhà sản xuất vượt ngưỡng một triệu thiết bị mỗi năm.
Thế nhưng trên trang thông tin chính thức của Android. Chứng chỉ Play Protect vẫn được cấp cho 3 nhà sản xuất điện thoại tại Việt Nam gồm Mobiistar, Masstel và “tân binh” Vsmart. Trong khi đó, theo Vingroup, doanh số của Vsmart chỉ ghi nhận được 600.000 chiếc tính đến hết năm 2019.