Đầu năm 2022, không lâu sau thương vụ gọi vốn thành công 90 triệu USD từ quỹ đầu tư Quadria, Con Cưng đã khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống bán lẻ mẹ và bé bằng sự kiện ra mắt Super Center, mô hình one-stop-shop (từ phụ kiện mẹ bé đến dịch vụ dành cho bà bầu) đầu tiên ở thị trường Việt Nam.
Bất ngờ tăng tốc
Super Center có diện tích 2.000 m2 với hơn 10.000 sản phẩm phục vụ trẻ em từ 0-6 tuổi. Ngoài mua sắm cho bé, ba mẹ còn có thể mua đồ dùng cho gia đình. Ông Lưu Anh Tiến, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Con Cưng, cho biết, do tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nên nhu cầu chăm sóc con, trải nghiệm mua sắm tiện lợi đang được chú ý và đó là lý do Công ty đưa mô hình Super Center vào hoạt động.
Ảnh: Quý Hòa |
Theo nghiên cứu của McKinsey, cách đây 2 thập kỷ, Việt Nam có 10% dân số thuộc tầng lớp trung lưu (được định nghĩa là có đủ thu nhập để trả các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, quần áo, hàng hóa, dịch vụ tùy thích khác), nhưng đến nay là 40%. Khoảng 4 triệu người đã chi tiêu mỗi ngày hơn 30 USD (tương đương 690.000 đồng) và ước tính 10 năm sau, con số này là 20 triệu người.
Vì thế, dù đang sở hữu mạng lưới bán lẻ dẫn đầu thị trường và gấp gần 5 lần so với 2 đối thủ là Bibo Mart và Kids Plaza (600 điểm), Con Cưng vẫn gấp rút đưa Super Center vào hoạt động và kỳ vọng có 12 địa điểm vào cuối năm nay. Xa hơn, ông Lưu Anh Tiến cho biết năm 2025, mạng lưới Con Cưng sẽ đạt 2.000 điểm với khoảng 300 mô hình Super Center.
24,7 triệu trẻ em và 24,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (số liệu Tổng cục Thống kê năm 2019) là động lực chính cho cuộc rượt đuổi của các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm mẹ và bé kéo dài hơn 5 năm qua. Theo ước tính của Nielsen, doanh thu cả thị trường sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực này có thể đạt quy mô 7 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng 30-40% hằng năm.
Vì thế, sau thời gian im ắng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngay khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm mẹ và bé lên tiếng. Khởi đầu cho cuộc đua này là Bibo Mart vào giữa năm 2021.
Bibo Mart tỏ ra có nhiều tham vọng khi có sự tham gia của ông Henry Neilson, cựu Giám đốc Điều hành Walmart, được mời về ngồi vào ghế Hội đồng Quản trị với vai trò cố vấn chiến lược. Công ty cũng úp mở về tham vọng mở rộng mạng lưới cửa hàng ở con số 10.000. “Ở thị trường 100 triệu dân, 10.000 cửa hàng bán lẻ là đủ, xây dựng một nền tảng để hỗ trợ 10.000 cửa hàng này vận hành sao cho hiệu quả hơn là mở thêm cửa hàng để triệt tiêu lẫn nhau”, bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart, cho biết.
Cũng phải nói thêm, 2021 là năm khá đặc biệt khi cuộc đua “tam mã” đón nhận thêm thành viên thứ 4 là Thế Giới Di Động với thương hiệu AVAKids. Thông qua mô hình shop-in-shop, tức kết hợp với các mặt bằng hiện tại trong mạng lưới của Thế Giới Di Động, AVAKids lập tức được xếp vào hàng tân binh tiềm năng nhờ tiềm lực về tài chính cũng như mạng lưới mặt bằng sẵn có từ công ty mẹ. Trái với sự năng động của AVAKids, Kids Plaza, doanh nghiệp xếp thứ 3 về thị phần mạng lưới bán lẻ sản phẩm mẹ và bé ở Việt Nam, cho đến nay vẫn khá kín tiếng.
Bắt nhịp cuộc đua mới
Theo Statista, mức độ thâm nhập thương mại điện tử của người dùng ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 52,7% năm 2021 lên mức 70,1% vào năm 2025.
Ông Trần Hùng Thiện, Giám đốc Điều hành Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy thương mại điện tử, nên không doanh nghiệp nào muốn bỏ tập khách hàng này. Trên thực tế, trong 2 năm gần đây thị trường chứng kiến sự chuyển dịch rất mạnh của các thương hiệu bán lẻ sở hữu mạng lưới lớn ở Việt Nam lên trực tuyến có thể kể đến như Masan, Central Retail, PNJ... Xu hướng này được biết đến với tên gọi bán hàng đa kênh và bùng nổ mạnh mẽ trong dịch bệnh.
Con Cưng và các doanh nghiệp bán lẻ mẹ và bé khác cũng không thoát khỏi xu hướng này. Chính ông Lưu Anh Tiến cũng thừa nhận rằng nhu cầu khách hàng muốn mua đa kênh và ở những điểm chạm mà cuộc sống hằng ngày đều gắn liền thì Con Cưng phải có mặt ở đó.
Con Cưng đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 23.000 tỉ đồng vào năm 2023 và thương mại điện tử chiếm ít nhất 30% nên việc đầu tư cho trực tuyến sẽ chưa dừng lại. Được biết năm 2021, công ty này dự kiến đạt doanh thu 7.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 250 tỉ đồng.
Không chia sẻ về doanh thu, nhưng bà Phương của Bibo Mart cho biết Công ty đang thể hiện rõ tham vọng chuyển từ doanh nghiệp bán lẻ thành công nghệ. Từ năm 2018 đến nay, Bibo Mart đã đầu tư một kiến trúc hạ tầng công nghệ đồng bộ như dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa, IoT (internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo... “Chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng mô hình mới F2C - Factories to Customers - Từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng”, bà Phương nói.
Về phần mình, AVAKids dù non trẻ nhất nhưng thừa hưởng nguồn lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm vận hành bán lẻ online lẫn offline của Thế Giới Di Động. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhìn chung cơ hội cho Thế Giới Di Động vẫn còn vì thị trường đang phân mảnh và công ty này có kinh nghiệm trong việc chinh phục các thị trường như vậy.
Có thể thấy, song song với mạng lưới cửa hàng, thương mại đa kênh sẽ là cuộc đua tiếp theo của các nhà bán lẻ trong lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ cho mẹ và bé. Bảng xếp hạng thị phần dù đã có nhưng với các nhân tố mới trong thị trường, khả năng đảo lộn vị trí trong thời gian tới có là điều có thể xảy ra.