Hải sản ngoại ngập thị trường
Thị trường hải sản nhập ngoại ngày càng đa dạng với giá cả lên tới hàng triệu đồng/kg nhưng vẫn rất hút khách, như cua hoàng đế xuất xứ Na Uy và Hàn Quốc giá bán sỉ 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg, bán lẻ 2 - 2,1 triệu đồng/kg; bào ngư Hàn Quốc 1,49 triệu đồng/kg; tôm hùm Canada 1,25 triệu đồng/kg; sò điệp Hokkaido 780.000 đồng/kg...
Ghi nhận ở các vựa thủy hải sản tại TP.HCM, thủy hải sản ngoại nhập chiếm 30-50% tổng lượng hàng và được bày bán đa dạng dưới hình thức tươi sống và đông lạnh, phổ biến nhất là cua hoàng đế nhập từ Mỹ giá 2,1 triệu đồng/kg, ốc vòi voi Mexico 1,9 triệu đồng/kg, tôm hùm Alaska (Mỹ) 1,1 triệu đồng/kg...
Bào ngư Úc khổng lồ có giá 5,1 triệu đồng/kg. |
Gần đây, các bà nội trợ đang xôn xao với bào ngư Úc đánh bắt tự nhiên có giá đến 5 triệu đồng/kg. Loại bào ngư khổng lồ này rất hiếm khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Bào ngư lớn nặng từ 300 – 400g/con, con nhỏ nhất cũng 200g/con, giá cả dao động tùy loại từ 2,5-5 triệu trở lên.
“Bào ngư xanh tự nhiên 5 con nặng hơn 1 kg, mỗi con to gần bằng bàn tay, thịt dày. Hàng khách đặt vừa bay về từ Úc, chất lượng khỏi chê, 1 kg giá 5,1 triệu đồng” - chị Ngọc Hường, chuyên bán hàng hải sản nhập khẩu bán cho biết. "Bào ngư đánh bắt tự nhiên tại Úc nên kích cỡ được đảm bảo, chỉ những con to thì ngư dân mới được phép khai thác. Bào ngư có thể chế biến các món như sashimi, sốt dầu hào, xào nấm đông cô, xào rau củ, nướng tiêu..."
Đặc biệt, thị trường hải sản nhập khẩu vẫn chưa hạ nhiệt với sự xuất hiện của cua pha lê từ Úc. Loại cua màu trắng sữa được mệnh danh là là loài cua ngon nhất thế giới này có kích cỡ lớn, từ 1,5kg - 2,5kg/con. Với giá bán từ 2 - 2,5 triệu đồng/kg, tính ra để được thưởng thức một con cua pha lê, người mua phải bỏ ra 3-4 triệu đồng.
Tuy nhiên, loại hàng này hiếm vì thủ tục nhập cua khá phức tạp. Muốn nhập được cua pha lê thì phải có giấy phép nhập cua từ Chính phủ Úc và giấy phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Theo nhận xét của một bà nội trợ thì cua này khi hấp lên không chuyển qua màu đỏ cam như những loại cua khác mà nó vẫn giữ y nguyên màu trắng. Chất lượng thịt thì vô cùng thơm ngon.
Thông dụng hơn thì có cua Canada, hay còn được gọi là King Crab, vốn được biết đến với chất lượng thịt thơm ngon và có kích thước lớn hơn rất nhiều so với các loại cua biển thông thường. Một con cua có trọng lượng trung bình từ 3 – 4,5kg hoặc nặng hơn. Vào mùa săn bắt, giá của loài cua vua này lên đến 2,2 triệu đồng/kg. Cua Canada được người tiêu dùng lựa chọn vì có vị thanh và rất thơm.
Cua pha lê Úc, giá từ 3 - 4 triệu đồng/con. |
Riêng ốc vòi voi hay còn gọi là tu hài Canada là thực phẩm rất bổ dưỡng, nhất là với cánh đàn ông nhưng ít người mua vì có hình thức hơi… ghê, chủ yếu là các nhà hàng mua về chế biến.
Điểm đặc biệt của loại ốc này là có phần vỏ tương tự con trai, tuy nhiên nhô ra giữa hộp lớp vỏ là một chiếc vòi dài hình trụ với khối lượng từ 1-1,5 kg. Chủ một điểm bán hải sản tại quận 10 cho hay, giá ốc vòi voi trung bình 1,5 triệu đồng/kg.
Chuyện có nên "móc hầu bao" tiền triệu để thưởng thức một con cua lông cỡ con cua đồng đá loại chỉ gần 200gram cũng đang nóng hầm hập trong giới “mê món lạ”. Sở dĩ được gọi là cua lông vì chân cua này có lông, trọng lượng nhỏ. Một con cua lông chỉ nặng 100-250 gram nhưng có giá lên tới 350.000 - 900.000 đồng, thậm chí là hàng triệu đồng nên đây là một trong những loại cua đắt đỏ nhất thế giới.
Loại cua này có phần gạch béo, ngậy, thịt ngọt đậm và chắc. Cua lông bán trên thị trường hiện nay đa phần là cua nhập từ Hồng Kông, Thượng Hải, và được chia thành nhiều loại, tùy vào trọng lượng. Ngoài ra, giá cua đực, cua cái cũng chênh nhau ít nhiều.
Ngược lại, tôm hùm Alaska lại rất được người tiêu dùng Việt ưa chuộng vì có giá rẻ hơn so với cả tôm hùm Việt Nam. “Nếu tôm hùm Việt Nam có giá hơn 2 triệu đồng/kg, thì tôm Alaska chỉ dao động trong khoảng 1,2 triệu – 1,7 triệu đồng/kg”, một chủ vựa hải sản nhập khẩu cho biết.
Thực hư việc hải sản cao cấp giảm giá mạnh
Những tháng gần đây, các loại hải sản nhập khẩu từ Bắc Mỹ như tôm hùm, cua hoàng đế… liên tục tràn về Việt Nam, có sức tiêu thụ mạnh do giá giảm 15% - 30% so với trước.
Theo ghi nhận tại một số vựa hải sản lớn, chuyên kinh doanh hàng đặc sản tại TP.HCM, hải sản nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng lượng hàng. Các mặt hàng chủ yếu là đồ tươi sống như tôm hùm Alaska, tôm hùm Canada, cua hoàng đế… Mức giảm khoảng 300.000 đồng/kg so với mùa năm trước. Trong đó, tôm hùm Alaska giảm mạnh nhất là 30%, hiện có giá hơn 900.000 đồng/kg.
Tôm hùm Alaska khá hút hàng vì người tiêu dùng chuộng mua do có giá mềm. |
Các cửa hàng hải sản cho biết, hải sản giảm giá mạnh do đang vào mùa đánh bắt tại Mỹ, cộng với việc thuế nhập khẩu giảm đáng kể sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Trước đó, bàn về ảnh hưởng của hiệp định CPTPP đối với thị trường thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cafatex (Cần Thơ), cho rằng rất có thể nhiều mặt hàng từng là cao cấp tại thị trường Việt Nam như tôm hùm Canada, Mexico, cá hồi Nhật, sò điệp Úc... sẽ có giá bình dân hơn.
Bởi những mặt hàng này khi đến vụ khai thác ở các nước rất rẻ, nên khi thuế nhập khẩu còn 0% thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp từ Canada, Mexico, Nhật,… đã bắt đầu chào giá cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, chỉ còn chờ biểu thuế ưu đãi được công bố để lên kế hoạch kinh doanh.
Nhưng thực tế là theo CPTPP, thị trường thủy sản trong nước vẫn được bảo hộ trong vài năm tới khi Việt Nam đưa ra lộ trình giảm thuế nhập khẩu thủy sản cho mục đích tiêu dùng là 6-8 năm. Do đó, hiện nay các loại thủy sản nhập khẩu từ Canada, Úc, Nhật Bản,… để phục vụ tiêu dùng chưa được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Theo các thương nhân làm xuất nhập khẩu, sở dĩ nông, thủy sản của Mỹ về Việt Nam thời gian cách đây hai tháng có giá rẻ vì hàng Mỹ bị siết chặt khi sang thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại, dẫn đến nguồn cung dư thừa dồn sang Việt Nam tiêu thụ.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP.HCM) cho biết, Mỹ xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc gặp khó khăn do thuế lên 25% (trước đây chỉ 10%) nên giá tôm Mỹ vào Việt Nam rẻ hơn khoảng 10% so với trước đây chứ không giảm quá nhiều.
Tạp chí Reporter (Mỹ) cho thống kê, sản lượng tôm hùm Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 34% trong 6 tháng cuối năm 2018 và trong ba tháng đầu năm nay đã giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thỏa thuận thương mại độc quyền giữa Canada và EU. Theo thỏa thuận này, EU miễn thuế cho các nhà xuất khẩu tôm hùm Canada trong khi vẫn đánh thuế 8% với mặt hàng của Mỹ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, có khoảng 3.785 kg tôm được nhập khẩu về Việt Nam dưới tên "tôm hùm Alaska", giá trị ước tính là 27.526 USD. Số lượng tôm này có xuất xứ từ Nhật Bản và Indonesia. Như vậy, tính bình quân mỗi kg tôm hùm Alaska chỉ khoảng 170.000 đồng. Mức giá này còn rẻ hơn cả tôm sú của Việt Nam giá bán ra thị trường trên 200.000 đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, đây là giá nhập khẩu chưa bao gồm phí vận chuyển và thuế, nếu tính các chi phí liên quan thì giá tôm bán ra sẽ đội lên cao. Chúng được bán thông qua nhiều đầu mối trung gian, từ công ty cho tới các mối bán sỉ và lẻ nên giá bán tới tay người tiêu dùng thường đội lên gấp 2-3 lần.
Do đó, khi mua tôm hùm Alaska người tiêu dùng cũng cần phân biệt loại tôm hùm Alaska sinh sống tại vùng biển sâu của Alaska phía bắc nước Mỹ và Canada, với “tôm hùm Alaska” được nhập từ Nhật Bản hoặc Indonesia có giá rẻ hơn gần phân nửa.
Tương tự với mặt hàng bào ngư Úc, chị em cần cẩn thận tránh nhầm lẫn với bào ngư nuôi của Hàn Quốc. Bào ngư Hàn Quốc có trọng lượng nhỏ hơn chỉ từ 80 – 100g/con, có giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ tầm khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
Một số chủ cơ sở cung ứng hải sản nhập khẩu cho biết, để mua được hải sản nhập khẩu chất lượng, người mua nên xem xét nguồn hàng, giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng mặt hàng...
Theo bác sĩ dinh dưỡng Dương Thị Kim Loan (Bệnh viện Thống Nhất), các loại thực phẩm ngoại nhập có mẫu mã đẹp, tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Nhưng về mặt giá trị dinh dưỡng còn tùy các yếu tố: quy trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch, việc bảo quản, vận chuyển, kiểm dịch...
Nếu sản phẩm được nuôi từ loại giống tốt, bảo quản và vận chuyển tốt thì hầu như sản phẩm có nguồn gốc khác nhau nhưng giá trị dinh dưỡng có thể tương đương nhau.