Giá xăng RON 95 đã cán mốc 26.280 đồng, vượt "đỉnh" của tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít). Giá dầu vượt 100 USD một thùng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết áp lực giá xăng lần này "đè" nặng doanh nghiệp.
Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết ngoài giá nhiêu liệu đầu vào đang tăng thì các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng đi lên.
Theo tính toán của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chi phí xăng dầu đang chiếm 30-35% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Đợt tăng lần thứ năm liên tiếp đang khiến chi phí nhiên liệu đầu vào của ngành này tăng tương ứng 13,8%. Đợt điều chỉnh này, nếu nhà điều hành không giảm thuế, phí để hạ giá xăng trong nước, các doanh nghiệp taxi thống nhất sẽ tăng giá cước ở mức 5-8%, tức 500-800 đồng mỗi km (tuỳ doanh nghiệp).
Các doanh nghiệp taxi cho rằng, cần giảm thuế môi trường với xăng, dầu "càng sớm càng tốt". Nếu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 2.000 đồng, không chỉ giá cước vận tải mà giá hàng hoá trên thị trường sẽ ổn định. Doanh nghiệp taxi sẽ không phải gánh thêm các chi phí phát sinh của quá trình điều chỉnh giá.
Hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Ngoài ra, mỗi lít xăng hiện còn có các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu. Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%.
Theo các hiệp hội taxi, doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn khi 2 năm qua liên tục ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chưa kể, hiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Với tình hình giá xăng dầu hiện tại sẽ càng thêm khó khăn.