Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất hoàn thành lần lượt 46,6% và 48,6% kế hoạch năm.
Quý 2/2021, Vinamilk ghi nhận mức doanh thu thuần hợp nhất theo quý cao kỷ lục ở mức 15.716 tỷ đồng, tăng 19,2% so với quý 1/2021 và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh doanh nội địa ghi nhận doanh thu thuần ở mức 13.251 tỷ đồng, tăng 18,5% so với quý 1/2021. Trong quý 2/2021, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp ở Việt Nam, bắt đầu ở các tỉnh phía Bắc và sau đó lan rộng đến các tỉnh phía Nam.
Vinamilk đã chủ động thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, qua đó đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng và đạt được các kết quả kinh doanh thuận lợi sau:
Doanh thu nội địa Công ty mẹ đạt 11.841 tỷ đồng, tăng 19,8% so với quý 1/2021 nhờ tăng cường các hoạt động kích cầu và yếu tố thời tiết mùa hè nên sức tiêu thụ các sản phẩm đồ uống tốt hơn.
So với cùng kỳ năm trước, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 mới và các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng tăng cường ở nhiều thành phố lớn từ giữa tháng 5 đã tác động đáng kể đến sức mua của người tiêu dùng dẫn đến doanh thu giảm nhẹ.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng so với quý 1/2021 và mức giảm so với cùng kỳ đã được thu hẹp trong quý 2/2021 đánh dấu sự phục hồi của mảng kinh doanh nội địa sau 3 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo “Dấu chân thương hiệu” được công bố bởi Kantar WorldPanel, Vinamilk nhận “cú đúp” khi tiếp tục duy trì vị trí là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong năm 2020 và cũng là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG năm thứ 4 liên tiếp.
Điều này khẳng định sự vững vàng của Vinamilk ở thị trường nội địa, tạo bước đà để đưa sản phẩm Vinamilk sang các thị trường nước ngoài.
Trong quý 2/2021, Vinamilk đã ra mắt hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm tại Tây Ninh, Quảng Ngãi và Thanh Hóa, đây là nguồn nguyên liệu của sản phẩm mới như Sữa tươi Vinamilk Green Farm được giới thiệu vào đầu tháng 4/2021.
Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm mới ra mắt và tái tung như: Sữa chua ăn Love Yogurt Trân châu đường đen, Sữa chua ăn Hero, Sữa chua uống tiệt trùng Su Su, Thức uống sữa sôcôla lúa mạch Vinamilk SuSu…
Mảng xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 1.606 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Trung Đông tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong mảng xuất khẩu của Vinamilk và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các hợp đồng từ các thị trường khác như Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu phục hồi về nhu cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, Công ty đã nhận được các đơn đặt hàng số lượng lớn từ các thị trường lớn nước ngoài, đặc biệt trong tháng 6, với các sản phẩm như sữa đặc, sữa chua ăn, sữa đậu nành… Thành công này là nhờ sự tin tưởng và đồng hành của các đối tác lớn vào Vinamilk với kinh nghiệm dày dặn và khả năng cung ứng linh hoạt.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ở nhiều thị trường, Vinamilk vẫn có thể linh hoạt và đáp ứng được các đơn hàng với nhiều yêu cầu đa dạng của từng khách hàng, nắm bắt tốt các cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Hơn nữa, Vinamilk đang tích cực thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thương mại và xúc tiến thương mại hiệu quả nhằm đẩy mạnh doanh số xuất khẩu. Những hoạt động kinh doanh này đang nhận được nhiều phản hồi tích tực từ các đối tác trong các thị trường lớn trên thế giới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 28.970 tỷ đồng, hoàn thành gần 47% kế hoạch năm. Doanh thu thuần là 28.906 tỷ đồng, trong đó, doanh thu thuần nội địa đạt 24.430 tỷ đồng, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 2.772 tỷ đồng và doanh thu thuần từ các chi nhánh nước ngoài đạt 1.705 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý 2/2021 đạt 43,6%, duy trì ngang mức quý 1/2021 và giảm 245 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này chủ yếu do mức tăng của chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Công ty đã đàm phán các hợp đồng mua nguyên vật liệu với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định chi phí sản xuất và chốt giá một số nguyên liệu sản xuất chính đến hết năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất quý 2/2021 đạt 2.862 tỷ đồng, tăng 10,2% so với quý 1/2021. Biên LNST hợp nhất đạt 18,2%, giảm 147 điểm so với quý trước. Mức sụt giảm biên này do việc tăng cường chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp như nêu trên, và một số ưu đãi thuế đã kết thúc nên thuế suất TNDN hiệu lực tăng lên 18,1% (Q2/2020: 16,9%; Q1/2021: 17,7%). Dự kiến mức thuế suất TNDN hiệu lực của cả năm sẽ rơi vào khoảng 18-18,5%.
Đối với MCM, LNST quý 2/2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 87 tỷ đồng. Bên cạnh yếu tố giá nguyên vật liệu sản xuất, những yếu tố khác giúp MCM đạt tăng trưởng lợi nhuận cao hai chữ số gồm 1) Cơ cấu chi phí vận hành tiếp tục được tối ưu và duy trì ổn định, và 2) Doanh thu tài chính tăng nhờ số dư tiền gửi ngân hàng dồi dào.
Lũy kế 6 tháng năm 2021, biên LNG hợp nhất của Vinamilk đạt 43,6%. LNST hợp nhất đạt 5.459 tỷ đồng và hoàn thành 49% kế hoạch năm, tương đương EPS đạt 2.313 VNĐ. Biên LNST giảm nhẹ 88 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2020 ở mức 18,9%. Đối với MCM, LNST đạt 137 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 43% kế hoạch năm, tương đương EPS đạt 1.392 VNĐ. Biên LNST của MCM đạt 9,7%, tăng 191 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2020.
Số dư tiền thuần tại thời điểm 30/6/2021 là 11.995 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng tài sản. Tổng mức đầu tư vốn trong 6 tháng đầu năm đạt 416 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư còn lại trong năm sẽ được cân nhắc giải ngân dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam.